Ngày 15-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ về việc tạm ngừng tài trợ cho tổ chức này, đồng thời kêu gọi lúc này thế giới phải đoàn kết chống dịch Covid-19.
Mở đầu bài phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, khi lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới tham gia hội nghị thành lập Liên hợp quốc (LHQ) vào năm 1945, một trong những nội dung đầu tiên họ thảo luận là xây dựng một tổ chức có trách nhiệm bảo vệ và tăng cường sức khỏe của người dân trên toàn cầu. WHO đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
WHO bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống Donald Trump chỉ thị Chính phủ Mỹ tạm ngừng tài trợ cho tổ chức này. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: “Đối với WHO, Mỹ là người bạn lâu năm và hào phóng, chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục như vậy”.
Ông Ghebreyesus cho biết, với sự hỗ trợ của người dân và Chính phủ Mỹ, WHO đã cải thiện sức khỏe của nhiều người trong số những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. WHO không chỉ ứng phó với Covid-19 mà còn chống lại nhiều bệnh dịch khác như sởi, Ebola, HIV…
WHO đang đánh giá tác động của quyết định mới đây của Mỹ và sẽ phối hợp các đối tác lấp đầy mọi khoảng trống tài chính mà WHO đang đối mặt cũng như bảo đảm công việc của tổ chức này không bị gián đoạn.
WHO cam kết sẽ tiếp tục phục vụ người dân thế giới và có trách nhiệm với các nguồn lực mà tổ chức này được giao phó. Đến nay, Quỹ ứng phó đoàn kết của WHO đã nhận được gần 150 triệu USD đến từ 240 nghìn cá nhân và tổ chức.
“Covid-19 không phân biệt các nước giàu và nghèo, các quốc gia lớn và nhỏ, không phân biệt quốc tịch, dân tộc hay hệ tư tưởng. Chúng ta cũng như vậy. Đây là lúc để tất cả chúng ta đoàn kết trong cuộc chiến chung chống lại mối đe dọa chung – một kẻ thù nguy hiểm. Khi chúng ta bị chia rẽ, virus (SARS-CoV-2) sẽ lợi dụng những rạn nứt giữa chúng ta”, ông Ghebreyesus nhấn mạnh.
Theo đúng trình tự, các nước thành viên của WHO và các cơ quan độc lập có nhiệm vụ bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm sẽ đánh giá thành quả của WHO trong ứng phó đại dịch Covid-19. Đây là một phần của quy trình thường được các quốc gia thành viên của WHO áp dụng. Tuy nhiên, ông Ghebreyesus một lần nữa khẳng định: “Lúc này, mối quan tâm của chúng ta và của tôi là tập trung ngăn chặn virus và cứu người”.
Người đứng đầu WHO thông báo, đến nay các nhà khoa học đã đưa ba loại vaccine phòng virus SARS-CoV-2 vào thử nghiệm lâm sàng. Hơn 70 loại vaccine khác đang trong quá trình phát triển.
Dư luận quốc tế đã có phản ứng về việc Tổng thống Trump yêu cầu Chính phủ Mỹ tạm ngừng tài trợ cho WHO. Tỷ phú người Mỹ và cũng là nhà tài trợ của WHO, ông Bill Gates hôm qua chia sẻ trên tài khoản Twitter: “Ngừng tài trợ cho WHO trong thời điểm xảy ra khủng hoảng y tế toàn cầu là việc nguy hiểm… Thế giới cần WHO hơn bao giờ hết”.
Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Riêng năm 2019, Mỹ đã đóng góp hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO.
Với hơn 644 nghìn ca bệnh và khoảng 28.500 ca tử vong, Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 trên thế giới. Theo thống kê của hãng tin Reuters, hiện nay, trung bình mỗi ngày Mỹ có thêm khoảng 25 nghìn ca bệnh mới. Trước đó, Mỹ từng ghi nhận 35 nghìn ca nhiễm mới trong vòng một ngày. Tổng thống Trump đánh giá, các số liệu cho thấy Mỹ đã qua đỉnh dịch và ông sẽ công bố hướng dẫn mở cửa trở lại nền kinh tế trong ngày 16-4.
H.H
Theo WHO, Reuters