Âm nhạc cộng đồng luôn có sức lan tỏa, kết nối mỗi cá nhân hướng đến mục tiêu tốt đẹp, nâng cao nhận thức của con người. Điều này thấy rõ trong mùa đại dịch Covid-19
Từ thành công của ca khúc cổ động phòng chống Covid-19 “Ghen Cô Vy”, trào lưu sáng tác ca khúc cổ động phòng chống dịch phát triển rầm rộ làm cho dòng chảy nhạc cộng đồng tuôn trào chưa từng có.
Hiện tượng đồng nhất
Hội Nhạc sĩ Hà Nội vừa phát hành ca khúc cổ động phòng chống dịch Covid-19 với phong cách tươi trẻ: “Tan biến đi virus corona” do nhạc sĩ Trần Hùng viết trên nền tiết tấu Latin sôi động được thể hiện bởi 2 ca sĩ đoạt giải Sao Mai là Lê Việt Anh và Trần Thu Hường kết hợp với rapper Tùng GB. Ca khúc thể hiện sự tin tưởng Việt Nam sẽ ngăn chặn và dập tắt dịch Covid-19 thành công, mang cuộc sống bình yên trở lại với mọi người.
Không khó để tìm hàng loạt ca khúc có liên quan đến dịch Covid-19 với nhiều nội dung, đề tài và phong cách âm nhạc khác nhau. Từ những ca khúc đặt lời mới trên nền nhạc của bài hát ăn khách như: “Ghen Cô Vy” (Ghen), “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid!” (Việt Nam ơi), “Ông bà anh thời Covid-19” (Ông bà anh), “Hãy cách ly” (Hãy hát lên), “Trống cơm – Chống Covid-19)… đến những sáng tác mới: “Bao la những trái tim hồng”, “Người mẹ áo trắng”, “Hãy ở nhà khi Tổ quốc cần”, “Quân dân xung kích, đẩy lùi Covid”, “Ngủ một chút đi anh”, “Những bông hoa nở giữa mùa dịch”, “Việt Nam sẽ chiến thắng”, “Ước nguyện”… của những nghệ sĩ Việt Nam và cả các tác giả không chuyên đang góp phần lan tỏa sức mạnh cộng đồng, cùng chung tay phòng chống dịch Covid-19.
Trong đó, không ít ca khúc được cơ quan chức năng sử dụng chính thức với mục đích tuyên truyền cho người dân ý thức phòng chống dịch và được lan tỏa không chỉ trong nước mà còn ra cả thế giới: “Ghen Cô Vy”, “Bao la những trái tim hồng”, “Chung tay phòng chống corona”, “Hãy cách ly”, “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid!”… Những ca khúc có nội dung ca ngợi vẻ đẹp của tình người, tri ân những nỗ lực, hy sinh của các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch… để lại những xúc cảm cho người nghe. Đặc biệt, những ca khúc về sự cống hiến, tận tụy của đội ngũ y – bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch với giai điệu trữ tình, lạc quan, vui tươi đều đủ sức lay động trái tim, khiến chúng ta càng yêu thương, trân trọng hơn những “người mẹ hiền” áo trắng.
Điều thú vị là dù cùng khai thác một đề tài nhưng dòng ca khúc ra mắt trong thời đại dịch này lại cực kỳ phong phú về thể loại. Ca khúc được viết lời trên nền nhạc những bản hit đình đám, những bản tình ca thu hút người nghe hay các bài hát rộn ràng, giai điệu hiện đại. Trong đó, không ít sản phẩm dựa theo làn điệu âm nhạc cổ truyền có sức lan tỏa rộng rãi như “Chung tay đẩy lùi dịch Covid” theo làn điệu đào liễu của soạn giả Trương Công Đỉnh, “Bài ca chống giặc dịch Covid” theo làn điệu xẩm xoan của soạn giả Mai Văn Lạng, “Trống cơm – Chống Covid-19” của ca sĩ người Mỹ Kyo York… ít nhiều tạo nên sắc màu thú vị cho người nghe.
Khơi dòng chảy mạnh mẽ
“Đánh thức cộng đồng bằng âm nhạc chính là giá trị cốt lõi và làm nên sự khác biệt của dòng nhạc cộng đồng” – nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhận định. Minh chứng là những gì khán giả thấy và thừa nhận trong suốt thời gian qua. Âm nhạc luôn có sức mạnh cảm hóa và lan tỏa, có thể kết nối, nâng cao nhận thức của con người. Với những gì đã diễn ra cho thấy dòng nhạc cộng đồng không quá “khó nhằn” đối với người sáng tác cũng không khó đi vào lòng người nếu chọn đúng mục tiêu mà mọi người đang hướng đến. “Đề tài ở quanh ta, chỉ cần người sáng tác lắng nghe đều có thể biến thành chủ đề sáng tác” – nhạc sĩ Quốc An bày tỏ.
Từ hàng loạt ca khúc đề tài phòng chống dịch Covid-19 ra đời thời gian qua, giới chuyên môn tin rằng nhạc cộng đồng sẽ được khơi dòng chảy mạnh mẽ. Trên thực tế, với bất cứ dòng nhạc nào, khi ca khúc chạm vào cảm xúc của số đông người nghe, sẽ mang lại thành công. Dù vậy, “với ca khúc cộng đồng, còn là trách nhiệm của người viết nhạc với xã hội” – nhạc sĩ Huy Tuấn nhận định.
Có thể tác động đến hàng triệu người nghe vì những ý tưởng mới lạ và ý nghĩa xã hội nhân văn, những dự án âm nhạc cộng đồng đã và đang khẳng định vị trí của mình trong đời sống âm nhạc Việt Nam hôm nay.
Trách nhiệm của nghệ sĩ với cộng đồng
Thực ra, không phải đến lúc cả nước cùng bận tâm và chung tay cho một mục tiêu chung thì dòng nhạc cộng đồng mới phát triển. Trước đó, thị trường nhạc Việt đồng loạt xuất hiện những dự án “đánh thức” cộng đồng bằng âm nhạc, tạo nên mảng màu tươi sáng cho đời sống nhạc Việt và mang lại cảm giác thú vị đối với người nghe. Không chỉ “Nghe nhạc có ý thức”, “V-pop hit makers” (những người tạo hit của V-pop)… mà còn là “bảo vệ môi trường”, “tạo cảm hứng tích cực”… lần lượt xuất hiện. Thậm chí, các nhạc sĩ trẻ như Phan Mạnh Quỳnh, Khắc Hưng đang dần hoàn thiện dự án âm nhạc cộng đồng sau bao năm tìm kiếm những bản tình ca. Đó là những sản phẩm dành cho mọi người với sự quan tâm chung. Không còn là yêu đương đơn thuần mà là những vấn nạn đang được xã hội quan tâm, thậm chí là những thứ đang “bào mòn” giá trị con người, tồn tại ở nhiều thể thức khác nhau, có thật nhưng khó thấy. Khắc Hưng bày tỏ: “Album nhạc cộng đồng là tâm huyết, không phải để định danh cho bản thân mà là để sẻ chia nỗi niềm riêng chung của xã hội. Tôi chỉ có âm nhạc và tôi muốn sử dụng khả năng âm nhạc của mình một cách có trách nhiệm với cộng đồng”. Còn với Phan Mạnh Quỳnh: “Đó là trách nhiệm của người viết nhạc với xã hội mình đang sống”.
Kimmese thực hiện dự án “Ngôi nhà xanh” (từ khóa #ChallengeForChange: “Thách thức giới trẻ dọn rác”) với mong muốn nâng cao ý thức của mọi người cũng như đóng góp phần công sức nhỏ của mình vào việc bảo vệ môi trường. Rapper cá tính Kimmese tin rằng âm nhạc chính là cách để cô cổ vũ người trẻ tích cực hơn nữa trong các hoạt động vì môi trường.