Những suất cơm tự nấu, cà-phê tự pha của những người có tấm lòng nhân ái đã tiếp thêm động lực cho các bác sĩ, nhân viên y tế ở những bệnh viện tuyến đầu đang gồng mình chống dịch Covid-19.
Những ngày giữa tháng 3, xem truyền hình, thấy nhân viên y tế Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Ðông Anh, Hà Nội) đang ngày đêm chăm sóc sức khỏe bệnh nhân nhiễm Covid-19, chị Nguyễn Thanh Thủy (34 tuổi) không khỏi trăn trở. Bà chủ quán cơm nhỏ quyết định góp sức mình bằng những bữa cơm tự nấu tặng bác sĩ. Chị gọi điện đến Bộ Y tế xin thông tin về cán bộ công đoàn của BV, đề nghị được nấu năm bữa cơm phục vụ các bác sĩ và nhân viên y tế trong BV. “Việc chúng ta cần làm là động viên các y, bác sĩ để họ có thêm động lực, tiếp tục làm tốt công việc đầy nguy hiểm. Tôi không dư dả gì, nhưng tôi sẽ nấu năm bữa cơm tối để phục vụ các y, bác sĩ của BV”, người mẹ ba con, đang chăm sóc bố đẻ ung thư, viết trên mạng xã hội hôm 24-3.
Hôm sau, chị dậy từ 5 giờ sáng, chạy xe 7 km từ nhà ở phố Tôn Ðức Thắng (quận Ðống Ða) đến chợ đầu mối mua thực phẩm, tự chế biến rồi chở đến BV phát. Toàn bộ quá trình chế biến, đưa cơm, chị Thủy đều đeo khẩu trang, găng tay đầy đủ để giữ vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi ngày, chị chuẩn bị 120 suất cơm, có món tôm rim, thịt, canh cua,… hoa quả tráng miệng, đổi món liên tục để người dùng không ngán. Buổi đầu, các nhân viên y tế đến nhận cơm rồi đi, không ai nói lời cảm ơn vì nghĩ đó là cơm bệnh viện đặt. Chị Thủy chạy xe về, lòng thấy hơi tủi thân, định thôi không nấu. Nhưng thấy các cô điều dưỡng nói thèm cơm nhà, sáng hôm sau chị lặp lại công việc này. “Ðến ngày thứ hai thì mọi người đã biết cơm mình tự tay nấu và tặng miễn phí. Mấy cô điều dưỡng nhảy chân sáo xuống nhận cơm. Ai cũng khen ăn ngon như cơm nhà làm tôi thấy có động lực hơn”, chị kể.
Chị Thủy nhớ nhất hôm đang loay hoay chuẩn bị nguyên liệu nấu cơm đưa vào viện, thì nhận được tin nhắn của một phụ nữ. Người này nói chồng là bác sĩ đang ở tuyến đầu của BV, rất thích ăn món bánh trôi trong ngày Tết Hàn thực. Chị muốn làm bánh mang vào cho chồng, nhưng vướng con nhỏ, không chuyển đến cho anh được, nên muốn nhờ chị Thủy mang vào. Nghe xong, chị Thủy quyết định làm 30 suất bánh trôi, thay chị vợ gửi đến anh chồng và các bác sĩ, nhân viên y tế khác ở viện. Ngoài nấu cơm, làm bánh, chị Thủy còn tự làm chè, nước ép hoa quả mang vào BV tặng các y, bác sĩ. Ban đầu, chị tự bỏ tiền túi lo toàn bộ chi phí, về sau, bạn bè, người thân thấy việc làm này có ý nghĩa nên chung tay đóng góp kinh phí và giúp chị nấu nướng. “Chỉ nhìn thôi đã thấy ngon rồi, thưởng thức thì mê tít luôn. Vị ngọt mềm, thơm bùi của khoai dẻo, man mát của sương sáo thảo mộc. Tất cả kết hợp với nước cốt dừa béo thơm, thêm ít đá nữa thì ngon ngất ngây”, một nữ y tá chia sẻ khi thưởng thức món chè chị Thủy nấu.
Trước đó, đầu tháng 3, một chuỗi cửa hàng cà-phê trên phố Hoàng Ðạo Thúy cũng phục vụ miễn phí các bác sĩ, nhân viên y tế ở BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Chị Lâm Kiều Oanh, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng cho biết, chị có một số khách quen là y, bác sĩ. Nhưng dịch bệnh bùng phát, họ chẳng còn thời gian thưởng thức cà-phê như trước. Ðể tiếp thêm động lực cho các bác sĩ tuyến đầu, từ ngày 19-3, cửa hàng tặng cà-phê, trà miễn phí kèm lời nhắn động viên các y, bác sĩ. Sau năm ngày, cửa hàng nhận được hàng trăm lời nhắn của khách hàng khắp nơi gửi đến. Những lời chúc sau đó được nhân viên cửa hàng nắn nót viết lại chuyển đến tận tay các y, bác sĩ. Mỗi ly cà-phê kèm một lời nhắn như: “Chút nắng mong manh sao thành mùa hạ/Chút Covid xa lạ sao đánh bại được chúng ta”, “Chống dịch như chống giặc. Hãy mạnh mẽ lên các chiến binh áo trắng”…
Mỗi ngày, bảy nhân viên của cửa hàng bắt đầu pha chế cà-phê từ 5 giờ sáng. Ðến 7 giờ 30 phút, họ hoàn tất việc pha chế, đóng vào 300 ly. Khoảng 9 giờ sáng, số cà-phê này được trao tận tay các y, bác sĩ. Ðể cà-phê được nóng, cửa hàng sử dụng loại cốc giấy chuyên dụng, thời gian vận chuyển không quá 60 phút. “Hành động của các bạn cho chúng tôi biết, ngành y không đơn độc. Những cốc trà, cà-phê tuy đắng mà lại rất ngọt, bởi chúng chứa rất nhiều tình cảm của người làm dành gửi cho anh chị em chúng tôi. Cảm ơn rất nhiều!”, một bác sĩ của BV viết lời cảm ơn cửa hàng như vậy.