Có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử, một người bán rong tại Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh được lực lượng chức năng đến xin lỗi sau khi người này vi phạm trật tự quản lý đô thị.
Trước đó, trong một clip công khai trên mạng, người phụ nữ bán rong bị đoàn kiểm tra do một nữ phó chủ tịch phường dẫn đầu bắt gặp bán rau trên đường. Chị khóc lóc van nài: “Cô ơi tha cho cháu đi, con cháu thì bé, không có tiền nong, cô đừng lấy của cháu nữa”. Trước những lời van vỉ, nữ phó chủ tịch phường buông lời: “Con này, mày có bị điên không…”, “gào mồm”…
Vẫn biết người bán rong đã vi phạm trật tự đô thị, vẫn biết vị cán bộ phường đang thi hành công vụ, nhưng sự việc vẫn làm lay động lòng trắc ẩn, đồng thời thổi bùng sự giận dữ của rất nhiều người.
Trắc ẩn, vì người phụ nữ lam lũ có khốn khó mới chọn nghề bán rong chui lủi, vì người mẹ nghèo đã đưa cả đến đứa con của mình là điều thiêng liêng nhất trong cuộc đời ra để mong được tha cái lỗi “vặt vãnh”. Trắc ẩn, vì đó có thể là hình ảnh em gái, là chị, là mẹ của mình, cả một đời tảo tần, nhọc nhằn chịu nhục kiếm miếng ăn nuôi gia đình.
Phẫn nộ, vì nếu không thông cảm, vị nữ cán bộ vẫn có thể im lặng mà kiên quyết làm nhiệm vụ. Trên cuộc đời này, dù là cán bộ hay dân thường, dù đang làm nhiệm vụ hay không, bất cứ ai trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không có quyền mạt sát người khác là “con điên”.
Sau khi có chỉ đạo từ cấp trên, lãnh đạo phường này đã tìm đến xin lỗi người bán rong. Và tất nhiên xin lỗi vì cán bộ phường đã mạt sát chị, còn chuyện chị vi phạm trật tự đô thị là sự thật không thể bàn cãi. Thế nhưng, câu chuyện vẫn còn những dư âm cay đắng, những câu hỏi băn khoăn.
Thứ nhất, vì sao chuyện quản lý hàng rong, đã bàn tính hàng chục năm nay, nhưng vẫn cứ loanh quanh “bắt cóc bỏ đĩa”?
Thứ hai, vì sao là “công bộc” của dân mà nữ cán bộ lại có thể buột miệng ra những lời độc địa, cay đắng trước một nông dân yếu thế? Nếu là cán bộ tận tâm, hãy tính toán để những người bán rong có nơi buôn bán ổn định; hãy hướng dẫn những người nghèo tìm “cần câu cơm” mới, chứ đừng buông lời mạt sát trước hoàn cảnh thương tâm của dân, trước những giọt nước mắt của đồng loại. Những người đã “mất gốc” tư tưởng “vì dân, do dân, phục vụ dân” như vậy, thậm chí phải loại trừ ra khỏi hàng ngũ cán bộ.