Tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết được bạn đọc yêu mến như ‘Đồng bạc trắng hoa xòe’, ‘Mùa lá rụng trong vườn’, ‘Đám cưới không có giấy giá thú’… đến tuổi 84 mới gác bút thật sự. Ông muốn dành phần đời còn lại để nghỉ ngơi, an dưỡng.
Ông trải qua những ngày cách ly ra sao?
Nhà văn Ma Văn Kháng: Hồi này tôi yếu. Tôi bị tim, thấp khớp… đại khái ăn ngủ kém. Sức yếu rồi, còn viết gì nữa? Mà có phải cứ muốn viết là viết được đâu. Dù COVID hay không thì tôi cũng chẳng làm gì thêm nữa.
Tác giả “Mùa lá rụng trong vườn” quyết định gác bút thật sao?
Nhà văn Ma Văn Kháng: Thôi, tôi viết thế là vắt sức rồi. Một đời viết với hơn 20 cuốn tiểu thuyết, gần 200 cái truyện ngắn. “Mãi mãi một thời thiếu sinh quân” là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của tôi, xuất bản năm ngoái.
Trong gia tài văn chương đồ sộ, nhà văn tâm đắc nhất với tác phẩm nào?
Nhà văn Ma Văn Kháng: Tôi thích nhiều lắm nhưng thích nhất là “Đám cưới không có giấy giá thú” được viết năm 1989. Cuốn này tôi viết mấy năm trời mới xong, xoanh quanh số phận của một ông giáo trong một trường học. Đơn giản thôi nhưng đề cập được một số vấn đề, có tính thế sự. Tôi cũng thích những tác phẩm có tính sử thi như “Đồng bạc trắng hoa xòe” hay “Vùng biên ải”, viết cả một giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng… Những cuốn đó bây giờ chẳng ai đọc, thực ra đọc thì mệt nhưng nó có ý nghĩa lắm, phản ánh cả một giai đoạn lịch sử của đất nước.
Khi “Mùa lá rụng trong vườn” lên phim, ông có ưng không?
Nhà văn Ma Văn Kháng: Tôi không ưng lắm. Bộ phim “Mùa lá rụng” là sự kết hơp của cuốn tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”. Việc của phim ảnh thì cứ làm thôi, sách của tôi một đàng, phim một kiểu. Hai phương diện khác nhau, không có quan hệ nhiều với nhau, chỉ tên là giống nhau. Họ phải làm nguyên bản cơ, đây là chắp nối mà.
Nhưng một tác phẩm văn học được lên phim thì hiệu ứng hoàn toàn khác?
Nhà văn Ma Văn Kháng. Ừ, đúng rồi.
Ông có hi vọng những cuốn tiểu thuyết khác của mình lại tiếp tục bước ra màn ảnh?
Nhà văn Ma Văn Kháng: Khó đấy. Chắc người ta không làm đâu.
Xu hướng bạn đọc đã thay đổi, tác phẩm của ông sẽ ra sao?
Nhà văn Ma Văn Kháng: Rất may, sách tôi vẫn được in nhưng độc giả ít thôi, lên phim càng khó nữa. Bởi mất công lắm. Dựng lại cả một bối cảnh lịch sử như thế, người ta phải am hiểu, tâm huyết và cũng tốn công tốn tiền lắm.
Nghe nói sách của ông vẫn được tái bản đều?
Nhà văn Ma Văn Kháng: Năm 2016, 2017 tôi tái bản mấy cuốn: “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Một mình một ngựa”, “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”… Riêng NXB Kim Đồng thường xuyên tái bản mấy cuốn của tôi như “Chó Bi, đời lưu lạc”.
Bây giờ đã quyết định gác bút, nhìn lại sự nghiệp, ông thấy có thể sống được bằng nghề không?
Nhà văn Ma Văn Kháng: Không sống được. Viết là công việc tôi thích và cảm thấy có ích thì làm, thực ra sống thế nào được. Viết một cuốn sách tận 3,4 năm mới xong, in ra mà được bạn đọc hưởng ứng thì thích. Đó là món quà lớn nhất của người cầm bút.