Đối với nhiều phụ nữ Nhật Bản, giấc mơ trở thành đầu bếp sushi của họ gặp vô vàn khó khăn do các quan điểm bảo thủ và sự phân biệt giới tính ở nước này.
Tay của phụ nữ quá ấm để làm sushi, hoặc chu kỳ kinh nguyệt sẽ ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận mùi vị của họ – đó là một số quan điểm của các đầu bếp sushi nổi tiếng Nhật Bản để giải thích lý do nam giới luôn làm sushi ngon hơn.
Nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật Bản muốn chứng minh quan điểm này là không đúng, khi chăm chỉ rèn luyện tay nghề để có được vị trí tại một trong những nhà hàng sushi nổi tiếng nhất đất nước.
Thách thức định kiến
Cô Mizuho Iwai đang là nhân viên học việc tại nhà hàng sushi cao cấp Onodera tại quận mua sắm Ginza của thủ đô Tokyo – nơi có những quán ăn sushi được đánh giá là ngon nhất thế giới.
Trong một lĩnh vực mà hiếm khi người ta thấy sự xuất hiện của nữ giới, cô hiểu rằng mình sẽ là điều bất thường.
“Tôi nghĩ là có một vài phụ nữ làm đầu bếp sushi, nhưng rất hiếm. Nhưng tôi muốn thay đổi mọi thứ bởi vì điều đó”, đầu bếp 33 tuổi chia sẻ với AFP.
“Tôi nghĩ đây là nhiệm vụ của mình”, cô Iwai nói.
Tại bếp của nhà hàng Onodera, cô không phải là người phụ nữ duy nhất, cũng có một cô gái khác trong số 10 đầu bếp học việc ở đây trước khi họ đóng cửa tạm thời từ đầu tháng 4 vì dịch Covid-19 bùng phát. Toàn bộ 10 đầu bếp chính của nhà hàng là nam giới.
Công việc của một đầu bếp sushi là rất cực nhọc, và cần nhiều năm để có thể thành thạo. Những đầu bếp học việc cần phải học hỏi tất cả mọi thứ, từ tên của các loại cá khác nhau cho đến việc dùng dao làm cá và thái thịt sao cho đúng cách.
Họ cũng được chỉ dẫn làm sao để đi qua tấm rèm nhà bếp cho đúng cách: dùng khuỷu tay để vén tấm rèm ra hai bên rồi mới đi vào.
“Các đồng nghiệp đã chấp nhận tôi”, cô Iwai cho biết và nói thêm rằng mình quyết định trở thành đầu bếp sushi sau khi làm việc ở một quán ăn nhỏ.
“Họ không đối xử với tôi đặc biệt bởi vì tôi là phụ nữ. Họ chỉ dạy tôi như một người bình thường”, cô Iwai chia sẻ. Cô đang học cách để chế biến cá thu Nhật Bản.
Washoku – hay ẩm thực Nhật Bản – từ lâu đã bị thống trị bởi nam giới, nhiều hơn so với nền ẩm thực của Pháp hay Italy, theo ông Fumimasa Murakami, giáo viên 54 tuổi tại Học viện Sushi Tokyo.
Không có số liệu chính thức về tỷ lệ giới tính của các đầu bếp sushi, nhưng ông Murakami ước tính các đầu bếp sushi nữ chỉ chiếm ít hơn 10%.
“Thành kiến với các đầu bếp nữ vẫn rất mạnh mẽ trong ẩm thực Nhật Bản, bao gồm cả với món sushi”, ông Murakami cho biết.
“Khách hàng không muốn thấy một đầu bếp nữ phía sau quầy. Đặc biệt là những khách hàng lớn tuổi, họ không thể chấp nhận điều đó”, ông Murakami nói thêm.
Nhiều người cho rằng tay của phụ nữ quá ấm, vì vậy điều đó sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ thích hợp của một món ăn lạnh như sushi, những người khác, trong đó có đầu bếp nổi tiếng Jiro Ono, giải thích rằng chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận mùi vị của họ, vì vậy họ không có được sự ổn định khi làm ra món ăn.
Những người khác cho rằng lý do đơn giản khiến phụ nữ Nhật Bản gặp khó khăn để trở thành đầu bếp sushi là do nghề này yêu cầu sự hy sinh rất lớn, làm việc nhiều giờ và phải về nhà muộn.
“Ở Nhật, vẫn có niềm tin mạnh mẽ rằng phụ nữ là người chăm lo cho gia đình. Nhưng các đầu bếp sushi thường phải làm việc muộn vì vậy sẽ rất khó cho phụ nữ”, cô Yuki Noguchi, 32 tuổi, cựu giáo viên tiểu học, chia sẻ.
“Đó là lý do tại sao có ít phụ nữ muốn trở thành đầu bếp sushi”, cô Noguchi, người vừa hoàn thành khóa học kéo dài 8 tháng ở Học viện Sushi Tokyo, giải thích.
Thay đổi theo chiều hướng tốt
Bếp trưởng của nhà hàng Onodera, ông Akifumi Sakagami cho rằng ngành của ông nổi tiếng vì sự nghiêm khắc với các đầu bếp học việc, khiến cho nó không chỉ phụ nữ mà những người trẻ ở cả hai giới đều cảm thấy dè dặt khi muốn bước chân vào lĩnh vực này.
“Tôi nghĩ phụ nữ cần rất nhiều can đảm để bước vào lĩnh vực này”, đầu bếp 46 tuổi cho biết.
Ông Sakagami bắt đầu công việc với tư cách một nhân viên học việc cách đây hơn 30 năm ở thành phố Sapporo phía bắc đất nước, vào thời điểm mà gần như không tồn tại phụ nữ trong ngành.
“Khi tôi bước vào ngành, điều kiện làm việc là rất khó khăn”, ông Sakagami nói trong khi đang hướng dẫn cô Iwai cách xẻ mỏng những miếng cá hồi, và làm sao để bóc tôm ngay khi vừa mới hấp.
“Đó là công việc kéo dài nhiều tiếng và lương thì thấp. Thật sự rất mệt mỏi. Nhưng mọi thứ cũng thay đổi cùng với sự thay đổi của xã hội. Tôi nghĩ mọi thứ đang tốt lên cho cả nam giới và nữ giới”, ông nói.
Vị đầu bếp chào đón những thay đổi này, và cho rằng để trở thành một bậc thầy sushi, điều quan trọng không phải là giới tính mà là năng lực, tài năng và những nỗ lực mà một người sẵn sàng bỏ ra.
Cô Fuka Sano, nữ đầu bếp học việc còn lại ở nhà hàng Onodera, cho biết cô không nghĩ nhiều về việc có quá ít phụ nữ trong lĩnh vực khi bắt đầu bước chân vào ngành này.
“Tôi đoán là phụ nữ thường nghĩ đầu bếp sushi là công việc của đàn ông, vì có quá ít phụ nữ trong ngành”, cô gái 18 tuổi chia sẻ.
Nhưng cô Sano quyết tâm thay đổi điều này sau một chuyến đi đến London và nhận ra chất lượng sushi ở đó quá tệ.
“Tôi xin lỗi phải nói điều này nhưng các chuỗi nhà hàng sushi ở Anh có vẻ không hấp dẫn lắm”, cô Sanoi cười và hy vọng sẽ có thể nâng cao chất lượng ẩm thực Nhật Bản ở nước ngoài.
Cô cũng muốn khách hàng sẽ đánh giá cô dựa trên chất lượng sushi cô làm chứ không phải vì cô là một người phụ nữ.
Trong khi đó, Iwai hy vọng rằng những phụ nữ như cô và Sano sẽ giúp thay đổi định kiến trong ngành dịch vụ này.
“Việc đầu bếp là nam hay nữ không quan trọng, tôi hy vọng hình ảnh cố hữu sẽ thay đổi và sẽ có nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ, nó thật sự là một công việc rất vui”, cô Iwai nói.