Mẹ chồng bảo tôi rằng: ‘Tôi nói dai như đỉa. Có ai chết và bệnh tật bởi hôn hít vào má đâu’.
Giờ ngồi nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu tại sao tôi và mẹ chồng lại càng ngày càng khó nhìn mặt nhau. Nguyên nhân của sự bất hòa đó cũng xuất phát từ cách nuôi dạy con, cháu.
Tôi về làm dâu, sống chung với bố mẹ chồng. Ngay từ đầu tôi đã biết bố mẹ chồng tôi là tuýp người khó tính. Nhưng càng ở lâu thì tôi nhận ra thực lòng ông bà không có lòng dạ gì đâu, chẳng qua ông bà luôn muốn con cái luôn quan tâm đến mình, sợ bị bỏ rơi, bởi chồng tôi là con độc trong nhà.
Vì vậy khi bước chân vào gia đình này, tôi đã được mẹ chồng thuyết giảng cho một bài dài về nề nếp, nguyên tắc của gia đình: Dù có giận hờn nhau đến mấy cũng không được bỏ cơm; Không có chuyện xưng anh tôi trong gia đình; Đối với bố mẹ phải đi thưa, về gửi; Không có chuyện thích về nhà bố mẹ đẻ lúc nào cũng được; Đi làm phải về nhà đúng giờ, có đi đâu phải báo cáo rất rõ, đi đâu, làm gì, mấy giờ về….Còn rất nhiều nguyên tắc kể ra chắc ù tai. Nhưng thực lòng vì yêu chồng mình nên những nguyên tắc đó đối với tôi cũng chẳng xi-nhê gì. Bởi với tôi chồng là tất cả. Chính vì thấy tôi sớm bắt nhịp với với gia đình nên bố mẹ chồng tôi cũng thấy ưng ra mặt.
Nhưng chuyện phức tạp xẩy ra bắt đầu khi tôi có con. Lúc mang thai thì bà chăm sóc tôi chu đáo, ăn uống, tẩm bổ dữ lắm. Nhưng thực lòng tất cả cùng vì tương lai của cháu đích tôn nhà họ. Rồi khi sinh con ra, mâu thuẫn chuyện mẹ chồng-nàng dâu ngày càng phức tạp. Lúc này, việc ăn uống của tôi hoàn toàn do mẹ chồng tôi quyết định. Mẹ chồng tôi tự đi chợ, tự lên thực đơn, bắt tôi ăn những thứ mà theo bà là để có nhiều sữa cho cháu. Nào là hoa chuối luộc, nói thật tôi không sao nuốt được qua cổ họng nhưng bà bảo, các cụ nói không sai nên phải cố. Hãi hùng nhất là món chân chó nấu cháo. Khi mở nồi cháo ra tôi tý ngất vì hình ảnh chân chó đen xì nằm chềnh ềnh giữa nồi cháo trắng muốt. Đến tận bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ.
Từ khi có cháu, bà như đổi tính nết kiểu như muốn sở hữu con tôi, ý như bà là mẹ nó chứ không phải tôi. Bà ôm ấp, hôn hít cháu cả ngày. Đi đâu thì chớ, về đến nhà là bà lao vào thơm cháu chùn chụt, chả để í đến việc vệ sinh tay chân, rồi quần áo bụi bẩn. Tôi cũng không quá khó tính nhưng vì đọc được nhiều thông tin về việc phải hạn chế hôn trẻ nhỏ nên tôi cũng nhẹ nhàng nhắc nhở bà. Tôi nói “Bà yêu cháu không ai cản, nhưng đi đâu về bà cần rửa tay sạch sẽ rồi thay bộ quần áo đi ngoài đường ra, lúc đó có chơi với cháu cũng được. Với lại hôn hít trẻ nhiều quá không tốt, mất vệ sinh”. Ấy vậy mà bà đốp thẳng vào mặt tôi “Chị đừng nghĩ mình là tiểu thư, công chúa. Tôi đâu phải bẩn thỉu gì mà chê bai tôi. Tôi hôn cháu tôi thì có gì sai?”. Vậy đấy, mưa dầm thấm lâu, sự ức chế trong tôi chỉ ngày một tăng mà không thấy có dấu hiệu giảm.
Không chỉ mình bà hôn hít con tôi mà mỗi lần các bà hàng xóm đến chơi, bà lại bế xuống, dúi vào tay các bà rồi màn hôn hít lần lượt xuất hiện. Một bà, hai bà…có bao nhiêu bà thì có bấy nhiêu cái hôn, cứ chùn chụt, chùn chụt, đến hãi. Tôi không dám phản ứng vì sợ các bà bạn mẹ chồng tôi tự ái, sợ mẹ chồng tôi mất mặt. Chỉ chờ đến khi các bà về, tôi mới nhỏ nhẹ “Từ lần sau mẹ đừng để các bà ấy hôn vào má cháu. Làm sao biết được các bà có bệnh truyền nhiễm hay không? Nhỡ chả may lây bệnh thì sao?”. Tưởng bà xót cháu khi nghe nói thế nhưng ai dè, tôi lại nhận một cơn mưa xối xả với bao ngôn từ không dám nghe, đại loại bà bảo tôi “sang chảnh, học đòi quý tộc, trưởng giả hợm hĩnh…”.
Dù có góp ý có nói như thế nào bà vẫn không thay đổi thói quen. Nhiều phiên mặt đỏ tía tai bà quát tôi không ra thể thống gì về chuyện đó, bà bảo “Tôi nói dai như đỉa. Có ai chết và bệnh tật bởi hôn hít bao giờ đâu”. Nhiều lời miệt thị, khó nghe khiến tôi càng ngày càng thấy nản. Mối quan hệ của tôi và mẹ chồng càng thêm mâu thuẫn, không có tiếng nói chung.
Vợ chồng tôi không thể ra ở riêng bởi ông bà chỉ có duy nhất chồng tôi. Dù là rất bí bách, ngộp thở nhưng khi hết cữ 6 tháng, tôi chủ động xin cơ quan nghỉ không lương 6 tháng nữa. Tôi sẽ tự tay chăm sóc con tôi thật tốt. Rồi cũng đến lúc tôi đi làm, thì tôi tìm chỗ gửi trẻ con con. Tôi đưa con đi học, còn chồng tôi chiều về sớm đón con. Mọi việc chăm con ở nhà một tay tôi lo liệu. Tôi cố không để mẹ chồng tôi xen vào việc dạy con. Tôi chỉ nói với chồng tôi rằng: “Con mình, mình phải có trách nhiệm dạy dỗ. Con cái phải do mình tự rèn mà trưởng thành. Còn nếu anh không đồng ý, bố mẹ không đồng ý, em sẽ chuyển ra khỏi nhà sống với con”. Biết tôi cứng như vậy nên chồng tôi hoàn toàn ủng hộ, còn mẹ chồng tôi thì hậm hực ra mặt.
Tôi biết bà rất khó chịu về việc này nhưng tôi vẫn cương quyết làm theo ý mình. Vậy tôi làm như vậy có quá đáng với mẹ chồng tôi không?