Cô Wong Yu, 26 tuổi, một giáo viên ở Vũ Hán, Trung Quốc đã kể lại quang cảnh những ngày đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa Vũ Hán và những khó khăn để quay lại cuộc sống bình thường.
Vũ Hán là nơi đầu tiên trên thế giới phải vật lộn với cuộc tấn công tàn bạo và vô hình của virus corona. Một số người ở Vũ Hán lo lắng cho sức khỏe và tính mạng của mình đã cố thủ trong nhà. Nhưng nhiều người không có được may mắn đó đã rời bỏ thế giới này mãi mãi.
Từ sáng sớm 23/1, khi Vũ Hán bắt đầu bị phong tỏa, cuộc sống ở đất nước tôi đã thay đổi. Chúng tôi chịu đựng dịch bệnh, ở trong nhà nhà và nhận đủ thứ tin xấu. Chúng tôi trải qua nỗi sợ hãi, lo lắng và phẫn nộ.
Sau khi chứng kiến những thảm họa trong quá khứ, tôi nghĩ rằng tôi đã được chuẩn bị tinh thần. Nhưng không người nào được chuẩn bị cho việc này. Trong hai tháng qua, quá nhiều điều khủng khiếp đã xảy ra. Tôi và mọi cư dân Vũ Hán khác đã cố gắng hết sức chống chịu tất cả.
Trở về cuộc sống bình thường
Nhiều người đã cố gắng đăng lên mạng xã hội về cuộc sống hàng ngày vẫn diễn ra bình thường của họ. Tôi nghĩ rằng đây là một cách khác để cố gắng đối phó với tình hình. Đôi khi, để vượt qua thứ gì đó bạn phải giả bộ như nó không tồn tại.
Giờ đây, sự nhẫn nại đã được hồi đáp. Lệnh phong tỏa Vũ Hán đã dần bắt đầu được dỡ bỏ. Nhưng thật không dễ dàng để trở lại bình thường. Cuộc sống của chúng tôi đã hoàn toàn thay đổi. Chúng tôi phải đối mặt với nhiều trở ngại để có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Lần đầu tiên tôi rời khỏi nhà kể từ khi họ bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa là ngày 29/3. Đó là một ngày mùa xuân lạnh. Nhưng so với nhiệt độ âm 10 độ C trước đó, cơn mưa mùa xuân này rất nhẹ nhàng.
Bên ngoài nhà tôi đã từng có một đội ngũ y tế đóng quân kế bên một khách sạn. Tôi không biết họ có rời đi hay không, nhưng trước cửa khách sạn giờ là một bài thơ cổ vũ tinh thần.
Trên đường đi, tôi thấy không ít người đi bộ hay đạp xe đi làm. Thỉnh thoảng, một chiếc xe buýt sẽ chạy qua. Một số tàu điện ngầm hiện đã mở cửa trở lại mặc dù vẫn không có nhiều tàu chạy. Mọi người thường phàn nàn về việc kiểm tra an ninh để lên tàu điện ngầm. Nhưng đã lâu không đi tàu điện ngầm, phải kiểm tra an ninh làm người ta có cảm giác thật thân thuộc.
Hàng ngày, nhiều người cố gắng ra khỏi nhà của họ. Khi thành phố dần bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa, một số người không thể chờ đợi được nữa. Một người bạn cùng lớp của tôi đã chụp hàng chục tấm ảnh Đông Hồ (một hồ ở tỉnh Hồ Bắc). Những người khác đăng ảnh văn phòng của họ hoặc thậm chí là đồ ăn của Starbucks và McDonalds được giao đến. Họ rất vui và xem đây là khởi đầu của việc chúng tôi trở lại bình thường.
Thay đổi đột ngột
Nhưng sự kết thúc lệnh phong tỏa không chỉ mang lại niềm vui. Một số người cảm thấy thực sự mâu thuẫn, như tôi. Sau khi ở nhà được hai tháng, tôi đã quen với việc dạy các lớp học trực tuyến và chỉ thỉnh thoảng ra ngoài.
Bước ra ngoài, nhìn thành phố trở lại với cuộc sống thường ngày, nghe thấy tiếng ồn ào một lần nữa làm tôi cảm thấy kỳ lạ. Một số bạn bè của tôi cũng cảm thấy như vậy. Một mặt, họ muốn trở lại cuộc sống bình thường. Mặt khác, có khó để thay đổi trở lại đột ngột như vậy sau khi điều chỉnh để quen với cuộc sống dưới lệnh phong tỏa.
Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, chúng tôi được phép đến bệnh viện sau mỗi 10 ngày để mang thức ăn đến cho bà tôi, người bị đột quỵ. Khi dịch bệnh ở lúc tồi tệ nhất, tôi luôn thấy xe cứu thương ở lối vào của phòng cấp cứu và nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ màu vàng đứng bên cạnh. Chúng tôi thường thấy các gia đình khóc lóc ở đó.
Vào ngày 29, bệnh viện đó rất yên tĩnh. Xe cứu thương duy nhất đang ở trong bãi đậu xe với những chiếc xe khác. Không có nhiều gia đình lo lắng chờ đợi bên ngoài phòng cấp cứu. Bên ngoài phòng bệnh của bà tôi, vài nhân viên y tế đi lại chậm rãi. Họ không vội vàng chút nào.
Trên đường về nhà, chúng tôi không gặp nhiều người nhưng có rất nhiều xe hơi. Tôi xuống xe và đi bộ dọc theo sông Vũ Xương. Công viên vẫn vắng vẻ và cỏ dại mọc khắp các lối đi bộ. Tuy nhiên, vẫn có một vài người khác giống như tôi đang phớt lờ cái lạnh, quyết tâm ra ngoài và nhìn xung quanh.
Tôi thấy một người đàn ông trung niên ngồi bất động trên mặt đất, một người bạn cúi xuống cạnh anh ta và cố gắng kéo anh ta lên. Cả hai người đàn ông này đều không đeo khẩu trang. Cảnh tượng này làm tôi nhớ đến lúc dịch bùng phát, nhiều người bất chợt ngã xuống đường. Mọi người sẽ chỉ nhìn từ xa chứ không dám tiếp cận họ vì sợ lây virus.
Tôi không biết làm thế nào tôi can đảm đến vậy, nhưng tôi đã đi qua chỗ người đàn ông đó và đưa cho anh ta chiếc khẩu trang dự phòng mà tôi mang theo. Tôi cũng hỏi người đàn ông ngồi trên mặt đất có sao không. Câu trả lời tôi nhận được không phải là điều tôi mong đợi. Thì ra anh ta vừa chia tay bạn gái. Rõ ràng một trái tim tan vỡ khiến anh ta suy sụp hơn dịch bệnh nữa.
Guardian