‘Ông Trịnh Công Sơn chỉ nói về người tử tế, chuyện tử tế. Tôi chưa bao giờ nghe Trịnh Công Sơn chê ai hết’ – Khánh Ly chia sẻ.
Vừa qua, tại phần tiếp theo của chương trình The Jimmy Show, danh ca Khánh Ly đã chia sẻ nhiều điều về quá khứ của mình và mối quan hệ với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Tháng nào tôi cũng phải xin khất tiền thuê
Thời trẻ, tôi từng làm quản lý tại phòng trà Queen Bee, mời được nhiều nghệ sĩ như Lệ Thu, Thái Thanh về hát. Tôi phải lo tiền nong, đời sống cho các anh em nhân viên, nghệ sĩ ở đó.
Sau đó, tôi nghỉ ở phòng trà Queen Bee và mở một quán riêng là Hội quán Cây Tre. Tôi tới mượn võ đường Vovinam một phòng họp lớn bỏ không để làm hội quán cho học sinh, sinh viên tới sinh hoạt.
Lúc ấy, rất nhiều nghệ sĩ đến hội quán của tôi như Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Diễm Chi… Chúng tôi sinh hoạt âm nhạc rất vui, tiền nước chỉ lấy đại khái.
Thời đó, sinh viên học sinh nghèo lắm, đâu dư giả tiền bạc để nghe hát. Ngay cả bố mẹ có khá giả cũng không có chuyện cho con tiền đi phòng trà, hội quán, nên tôi đâu dám lấy tiền của họ nhiều. Giáo dục ngày ấy rất nề nếp, bố mẹ khó, con cái ngoan, gia đình trật tự, đàng hoàng.
Bởi vậy, khách đến hội quán chỉ cần mua cho tôi chai nước, biếu nghệ sĩ bao thuốc lá là quý lắm rồi.
Chính vì thế nên tôi mãi vẫn không có tiền. Tháng nào tôi cũng phải lên văn phòng của công chủ Vovinam xin cho thiếu tiền thuê, để còn đi vay tiền đóng vào. Tất nhiên là các thầy ở đấy không đòi tiền mình vì họ chẳng thiếu thốn gì, nhưng trong lòng tôi vẫn áy náy nên phải tìm cách trả đủ.
Tôi làm quán vì tôi thích, vì được hát, được gặp anh em bạn bè, chứ làm để kiếm tiền thì không, chẳng có đồng nào hết.
Không có xe đón thì tôi đi nhờ xe Honda của bạn bè đi hát
Đặc biệt, quần chúng mà kêu tôi đi hát là đi ngay, không bao giờ hỏi tiền nong. Có xe đón thì tốt mà không có xe đón thì tôi đi nhờ xe Honda của bạn bè.
Đó là thời gian tôi hạnh phúc nhất. Bây giờ mọi thứ đã mất rồi, không bao giờ trở lại được thời đó. Đây chính là những cái có tiền cũng không mua được. Nó trở thành gia sản của riêng tôi và nhiều người trong thời đó.
Nếu một ngày nào đó tôi chết đi, thì những con người ấy cũng chết, vì chúng tôi lớn lên cùng một thời gian với nhau.
Bởi vậy bây giờ, người ta đến nghe tôi hát là để tìm về kỉ niệm ngày đó. Người ta không nghe tôi vì tôi đẹp hơn, hát hay hơn ngày xưa mà vì đó là kỉ niệm.
Thời 20, 23 tuổi khác với 70, 75 tuổi bây giờ. Nhưng chúng tôi vẫn tìm đến với nhau để tìm lại thời hạnh phúc của chúng tôi. Không phải ai trên đất nước Việt Nam này cũng có được điều đó.
Tôi và Trịnh Công Sơn chẳng bao giờ tâm sự với nhau
Trong nghề, danh ca Ngọc Minh là người bạn gái duy nhất của tôi. Có những lúc, Ngọc Minh giận hờn, nhõng nhẽo với tôi, chứ tôi chẳng bao giờ giận ai cả. Tính tôi trước giờ ai muốn làm gì thì làm, ai muốn nói gì thì nói. Tôi không giận, không để bụng.
Nhưng Ngọc Minh lại là người luôn đòi hỏi người khác phải hết lòng, kể cả người yêu lẫn bạn bè. Cái này khó lắm, nhưng tôi chiều được. Ngọc Minh muốn cái gì cũng được.
Vì vậy, những lúc Ngọc Minh giận hờn, tôi chẳng bao giờ nói gì, cứ kệ, khi nào Ngọc Minh biết thì biết, hiểu thì hiểu. Giữa chúng tôi là một tình bạn không gì có thể thay thế được và cũng không bao giờ đổi thay.
Có tình yêu một lần và mãi mãi thì cũng có những tình bạn một lần và mãi mãi. Trong cuộc sống không nhất thiết lúc nào cũng phải là tình yêu. Bạn bè, bằng hữu, tri kỷ nhiều lúc quý hơn cả tình yêu.
Khánh Ly và Ngọc Minh
Về chuyện bạn và yêu, nói ông Trịnh Công Sơn là bạn tôi thì không đúng. Trịnh Công Sơn vừa là bạn, lại vừa như người anh của tôi, dù chúng tôi chẳng bao giờ tâm sự với nhau.
Chúng tôi không bao giờ hỏi nhau đời sống nay thế nào, bây giờ ra sao, yêu đứa nào, quen ai. Chúng tôi chỉ biết mỗi lần gặp nhau thấy nhau khỏe mạnh là được rồi.
Gần một nửa thế kỷ, tôi chưa bao giờ nghe ông Trịnh Công Sơn chê ai
Tôi và ông Trịnh Công Sơn thường ngồi với nhau, không nói gì cả nhưng vẫn hiểu bạn của mình đang vui hay buồn, có hạnh phúc hay không. Mọi thứ đều hiện ra trên mặt và chúng tôi cảm nhận được. Chúng tôi chẳng bao giờ than thở điều gì với nhau.
Ông Trịnh Công Sơn như một người anh, người cha của tôi. Mỗi khi nói chuyện, ông Trịnh Công Sơn chỉ nói về người tử tế, chuyện tử tế. Tôi chưa bao giờ nghe Trịnh Công Sơn chê ai hết.
Nếu ai đó làm điều gì không phải với ông Trịnh Công Sơn, ông ấy chỉ buồn thôi, nhưng không bao giờ nói ra bằng lời rằng người này không phải, người kia không đúng.
Gần một nửa thế kỷ, tôi chưa bao giờ nghe ông Trịnh Công Sơn nói điều gì không hay, không tốt về người thứ ba. Tôi học được ở ông Trịnh Công Sơn nhiều điều lắm.
Nếu không có tiền, tôi lấy đâu ra những thứ đó
Ông Trịnh Công Sơn có dạy tôi, “sống trong đời sống phải có một tấm lòng”. Nhưng thời điểm đó, tôi ước ao có tiền nuôi con. Tôi cần tiền để nuôi con, nên tôi không nghĩ được như vậy.
Tôi cần có áo để mặc đi hát, cần có son để trang điểm. Nếu không có tiền, tôi lấy đâu ra những thứ đó.
Bởi vậy, nghe ông Trịnh Công Sơn nói “cần có một tấm lòng”, tôi chỉ vâng lời một cách im lặng, giữ trong lòng, nhưng không nghĩ được nhiều về nó. Tôi chỉ biết ông đang dạy mình những điều tốt.
Nhiều khi tôi nghĩ, mình chẳng làm được điều gì tốt, nhưng chỉ cần không làm điều gì xấu cũng là quý lắm rồi.
Không chỉ là thầy, ông Trịnh Công Sơn còn như cha tôi. Tôi lại vốn tính thương cha, lúc nào cũng nhớ bố mình, nên càng thương ông Trịnh Công Sơn hơn.
Đứa trẻ nào không có cha cũng khôn sớm và biết được thân phận của nó. Vì không có cha nên tôi hình thành tính nhường nhịn. Ai muốn làm gì, nói gì tôi cũng được.
Bởi vậy, với ông Trịnh Công Sơn, tôi lúc nào cũng nghe lời. Tôi học ông ở cách sống tử tế với nhau.