Hơn 14 năm nên duyên vợ chồng thì có tới 10 năm cả hai vượt bao thử thách trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc làm cha, làm mẹ.
Thử thách, khó khăn là vậy, nhưng Trung tá Đỗ Đình Ninh, trợ lý nội biên, Phòng trinh sát, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ninh và chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, giáo viên Trường THPT Lê Trung Đình (Quảng Ngãi) vẫn luôn cùng nhau nỗ lực vượt qua, vun đắp cho hạnh phúc đã lựa chọn. Và hôm nay, tổ ấm nhỏ của anh chị luôn rộn vang tiếng cười. Đó là minh chứng cho hạnh phúc mà cả hai đã cùng nhau nỗ lực xây đắp, tạo dựng…
Anh chị quen nhau thật tình cờ. Năm 2003, tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Đỗ Đình Ninh nhận công tác tại Đồn Biên phòng Sa Huỳnh, Đức Phổ (Quảng Ngãi) với cương vị đội trưởng đội trinh sát; khi đó, Nguyễn Thị Bích Hạnh đang là giáo viên dạy Toán Trường THPT Lê Trung Đình (Quảng Ngãi). Đúng dịp 3-3, Ngày truyền thống BĐBP, chị Hạnh cùng Ban giám hiệu nhà trường đến thăm và chúc mừng đơn vị. Lần đầu gặp gỡ, chàng sĩ quan trẻ đã cảm mến cô giáo trẻ có nụ cười duyên dáng, giọng nói nhẹ nhàng và nhất là đôi mắt to, tròn…
Sau hôm đó, anh Ninh chủ động sang trường cô giáo Hạnh để tìm hiểu, làm quen. Cảm mến anh bộ đội xứ Bắc nhiệt tình, chân thành và sống chan hòa, tình cảm trong chị dành cho anh ngày một nhiều hơn, để rồi 3 năm sau, cả hai nên duyên vợ chồng trong niềm vui và những lời chúc mừng hạnh phúc của đồng đội, bạn bè, người thân. Lấy nhau rồi, anh chị mượn tạm khu tập thể của trường, nơi chị Hạnh công tác để làm tổ ấm.
Cứ tưởng cuộc sống vợ chồng luôn bên nhau, chờ đón các con ra đời là cuộc sống thật êm đềm, hạnh phúc. Thế nhưng, số phận dường như thử thách lòng người, 1 năm, 2 năm, 3 năm… rồi 10 năm, ngôi nhà nhỏ vẫn thiếu vắng tiếng trẻ thơ. Không thể kể hết những khó khăn, vất vả của cả hai trong hành trình chữa trị hiếm muộn. Biết bao bệnh viện anh chị đã ghé đến, nhiều lần nhờ can thiệp của y học để hy vọng rồi lại thất vọng… Đã có lúc anh chị mệt mỏi, định bỏ cuộc, nhưng rồi lại động viên nhau cùng tiếp tục cố gắng.
Hành trình chữa trị hiếm muộn vẫn chưa có kết quả thì năm 2014, anh Ninh lại có quyết định của cấp trên điều động ra Quảng Ninh nhận công tác. “Lúc đó tâm trạng tôi rối bời, lo lắng, phần vì việc riêng còn dang dở, rồi nỗi lo chồng xa mặt cách lòng… Đã có lúc tôi tính bỏ lại sau lưng tất cả để theo anh ra Bắc”, chị Hạnh nhớ lại.
Đúng lúc này, kết quả can thiệp của y học đã mỉm cười với vợ chồng chị. Một mầm sống đang lớn từng ngày trong cơ thể chị Hạnh, để rồi 9 tháng sau, bé Đỗ Khang chào đời trong niềm hạnh phúc, chờ đợi bấy lâu của anh chị và người thân. Sinh con xong, chị Hạnh vẫn tiếp tục công tác tại Quảng Ngãi, còn anh Ninh khi đó đang công tác tại đảo Cô Tô. Một năm anh chị cũng chỉ tranh thủ gặp nhau được hai lần là vào dịp Tết anh về nhà và dịp hè chị đưa con ra ngoài đảo thăm anh; còn lại họ chủ yếu gặp nhau qua điện thoại.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, giờ đây bé Đỗ Khang đã tròn 5 tuổi, và niềm vui lớn tiếp tục đến với gia đình chị, đó là sự xuất hiện của thiên thần thứ hai đúng thời điểm mỗi người dân Việt Nam thể hiện tinh thần yêu nước bằng cách “hãy ở nhà” như lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19. Dẫu anh vì nhiệm vụ không có mặt chứng kiến ngày thiên thần thứ hai của mình chào đời, nhưng chị Hạnh vẫn thấy thật ấm lòng. Bởi qua điện thoại, những lời động viên dặn dò vợ và các con của anh vẫn chan chứa tình yêu và niềm tin tưởng. Cả anh và chị đều hiểu, cuộc sống trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng nơi tổ ấm nhỏ có hai thiên thần là sợi dây vững chắc kết nối yêu thương gia đình bền chặt…