Thịt lợn dần biến mất trong mâm cơm của gia đình tôi, thay vào đó là món gà, vịt, cá… Thành ra, các thành viên trong gia đình gần đây quên hẳn hương vị món thịt lợn.
Ăn toàn thịt gà, thịt vịt, nghe qua có vẻ sang. Trước đây, ngày nào trong mâm cơm của gia đình tôi cũng có món thịt lợn, còn gà, vịt thi thoảng mới dám mua hoặc mua vào dịp lễ, Tết hay khi nhà có khách. Thế mà hiện giờ, mâm cơm chỉ toàn gà, vịt, ngan, cá,… Cứ thế xoay vòng, hết gà rang lại sang gà luộc, hết vịt om sấu lại sang vịt quay, cá chiên, cá kho,… đổi món liên tục.
Thói quen ăn uống của nhà tôi ngược hoàn toàn so với trước đây. Nhưng ở vào hoàn cảnh một gia đình 6 người (gồm: mẹ chồng, vợ chồng tôi và 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học) sống giữa đất Thủ đô mà tổng thu nhập chỉ 17 triệu đồng/tháng, phải lo tiền trả nợ mua nhà, tiền phí sinh hoạt, tiền học hành của con cái… thì mới hiểu tại sao lại có thay đổi như vậy.
Thực ra, đây là bài toán giảm chi tiêu mà tôi đang áp dụng khi giá thịt lợn tăng như vũ bão từ cuối năm ngoái và đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trước kia, giá thịt lợn tầm 80.000-90.000 đồng/kg tùy loại, gia đình tôi một ngày ăn trung bình hết trên dưới 50.000 đồng tiền thịt – khoảng 6 lạng. Một tháng riêng tiền thịt lợn hết khoảng 1,5 triệu đồng. Đó là tôi nhẩm tính ngày nấu ăn 2 bữa nhưng chỉ ăn một bữa thịt lợn và khẩu phần mỗi người cũng chỉ 1 lạng thịt.
Song, từ cuối năm ngoái, giá thịt lợn tăng gần như gấp đôi vì khan hiếm do dịch tả lợn châu Phi, tiền thịt lợn theo đó hết khoảng 90.000-100.000 đồng/ngày (vẫn chỉ ăn 1 bữa tầm 6 lạng thịt lợn giống như trước). Tức tiền sinh hoạt phí sẽ bị đội lên thêm 1,5 triệu đồng/tháng chỉ vì thịt lợn tăng giá.
Tôi đau đầu với bài toán cân đối chi tiêu, bởi mua ít thì không đủ ăn, mua đủ ăn lại thâm hụt chi tiêu. Đỉnh điểm là dịp cận Tết Nguyên đán phải chi tiêu nhiều, thịt lợn lại quá đắt đỏ nên khoản tiền ăn bị âm nặng.
Sau hai tháng gần như không thể cầm cự khi giữ thói quen ăn uống như cũ, tôi quyết định cắt bỏ món thịt lợn ra khỏi thực đơn của gia đình mình. Thay vào đó tăng cường ăn gà, vịt, cá,… tránh bị “thủng ví”.
“Chiến dịch” này được tôi thực hiện từ sau Tết. Mới đầu, tôi không dám cắt hẳn, vẫn duy trì một tuần 2 lần mua thịt lợn. Bởi tôi sợ cắt hẳn các thành viên trong gia đình sẽ không thích ứng kịp. Và đúng như những gì tôi nghĩ, chuyển sang ăn gà, vịt, cá cả tuần đầu, ban đầu mọi người ai cũng ngán ngẩm, nhiều bữa nhìn thấy đĩa thịt gà, vịt không buồn động đũa.
Mất hai tuần đầu tiên như thế, sau để các thành viên trong nhà đỡ ngán khi phải ăn gà, vịt, cá, trứng thường xuyên, tôi chịu khó chế biến các món ăn cầu kì hơn như làm gà xào sả ớt, rán, luộc, rang, vịt om nấu măng hay om sấu. Nhiều hôm nay thay vì nấu cơm tôi chuyển sang nấu phở, miến gà, miến ngan, vịt. Các món cá cũng làm đa dạng hơn. Theo đó, hết cá kho, rán, sốt lại cho vào om dưa, hấp, chiên xù…
Cuối cùng, cả gia đình cũng quen bữa cơm không cần có món thịt lợn. Tháng 3 vừa qua, thịt lợn đã hoàn toàn biến mất trong mâm cơm gia đình tôi, thay thế bằng các món ăn làm từ gà, vịt, cá, ngan,… Những loại thực phẩm này đang có giá rất rẻ. Tính ra, so với việc bỏ tiền ra mua thịt lợn, giờ mua các loại thịt gia cầm giúp tôi tiết kiệm được cả triệu đồng/tháng. Hơn nữa ăn nhiều mới thấy gà có lợi cho sức khỏe vì ít mỡ hơn hẳn.
Như hiện nay vịt ngoài chợ giá chỉ 30.000-35.000 đồng/kg lông, mua 1 con vịt tầm 2kg rồi nhờ người bán giết mổ giúp về nấu ăn được cả ngày. Lòng mề có thể để xào với rau, xào miến, thịt vịt chế biến được rất nhiều món. Giá ngan cũng chỉ 50.000 đồng/kg.
Hay giá gà công nghiệp ngoài chợ đầu mối gần nhà mà tôi thường đi mua vào sáng sớm cũng rẻ hơn, chỉ 45.000-50.000 đồng/kg. Một bữa gia đình ăn cả cân thịt gà tính ra cũng chỉ bằng nửa tiền so với ăn thịt lợn.
Dịp này gà ta thả vườn giá cũng rẻ. Trên mạng nhiều người bán giá 80.000 đồng/kg gà mổ sẵn, có chỗ bán chỉ 75.000 đồng/kg. Tôi gặp thường đặt mua về chia nhỏ tùy nhu cầu từng bữa… Đây là các món chính, bữa ăn cũng có món phụ nữa.
Tôi nghĩ, thay vì ngồi chờ giá thịt lợn ngoài chợ giảm xuống mức hợp lý, mình tự thay đổi thói quen ăn uống sao cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của gia đình mình sẽ dễ hơn.
Thịt lợn đắt thì hạn chế ăn, chuyển sang ăn những loại thực phẩm khác. Quả thực sau 2 tháng thực hiện chiến dịch giảm chi tiêu bằng cách thay đổi thói quen ăn uống của gia đình, tôi không phải chịu áp lực về chuyện thâm hụt chi tiêu, cũng không còn quan tâm đến chuyện giá thịt lợn tăng hay giảm nữa. Các thành viên trong gia đình gần đây cũng quên hẳn hương vị món thịt lợn.
Nguyễn Thị Tố Loan(Nam Từ Liêm, Hà Nội)