Nhà báo Đức Jochen-Martin Gutsch mới đây đã có những chia sẻ đáng suy ngẫm trên tờ Spiegel về đại dịch Covid-19.
01.
Những người không có lý do chính đáng để kêu ca
Virus corona làm nhiều người điêu đứng, có điều lạ là những người kêu ca nhiều nhất lại là những người không có lý do chính đáng để kêu ca. Tầng lớp tinh hoa ca cẩm về việc làm việc ở nhà..
Cách đây ít hôm tôi nói chuyện điện thoại với một anh bạn, anh sống độc thân và mới bắt đầu làm việc ở nhà. “Cậu thế nào, ổn chứ?”, tôi hỏi.
“Rất ổn”, anh bạn đáp. Nhưng sự cô đơn đang làm anh bực bội. Sự tiếp xúc bị hạn chế. Anh cảm thấy như bị cầm tù, hệt như bị ở trong tù.
Tôi động viên, an ủi anh ta. Nhưng nếu tôi được trải lòng thì nói thật, tôi cũng có cảm giác tù túng: Tù ư? Tiền lương anh vẫn lĩnh mặc dù do dịch bệnh anh làm việc ít hơn. Anh ngồi trong một căn hộ với tiện nghi rất sang trọng, anh có khá nhiều thời gian rảnh rỗi trong ngày và hoàn toàn không bấn loạn vì phải đấu tranh để tồn tại. Đúng, chán thật. Nhưng sau hai tuần hạn chế đi ra ngoài anh có cảm giác như ở tù, thật không?
Dường như trong cuộc khủng hoảng này, chúng ta ít nhiều đang mất đi khái niệm về sự tương đối. Cảm giác đối với cuộc sống riêng rất được ưu đãi của mình. “Chúng ta” – bao gồm tất cả những ai có biên chế, có cuộc sống được bảo đảm an toàn, đó là tầng lớp người Đức trung lưu. Có một loại hình làm việc ở nhà mới, họ là những người hầu như không bị thiếu bất cứ cái gì, có chăng chỉ là việc họ buộc phải ở nhà. Được ngồi trong ngôi nhà ấm áp của mình, đó là điều mà ta mong ước trước khi xảy ra dịch bệnh. “Thứ sáu này tôi làm việc ở nhà đấy nhé!” – một câu nói đầy bay bổng. Giờ thì ta lại thích ca cẩm về điều này.
Ở đây bao hàm cả tôi đấy nhé. Hiện tại tôi hay đi về nông thôn và ngồi viết lách trong một căn nhà nhỏ cũ kỹ. Cách đây ít hôm tôi có yêu cầu được lắp sớm mạng internet vì tôi rất lo lắng về dịch bệnh lần này: không có Internet, không có Netflix, đúng vào thời buổi khủng hoảng, quả thật rất, rất căng. Tức là mọi chuyện chỉ xoay quanh một con số không tuyệt đối. Ngoài ra là một sự sợ hãi hết sức buồn cười về sự thiếu phân tâm. Trước đó, khoảng hai, ba hoặc bốn tuần mình phải tự chiêm nghiệm bản thân mình.
02.
Khủng hoảng trong sự biến thể của thịnh vượng
Chừng nào chúng ta không làm những nghề “quan trọng đối với hệ thống”, thì thách thức đối với chúng ta có bao nhiêu đâu mặc dù như bà Thủ tướng [Angela Merkel] đã nói “đây là thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến lần thứ II”. Chỉ có việc ngồi nhà, rửa tay, không tích trữ giấy vệ sinh. Giữ bọn trẻ trong hàng rào. Không phát điên. Thế nào, làm được không?
Làm được, với bọn trẻ con thì hơi khó. Hàng ngày, làm việc ở nhà cộng với thay thế nhà trẻ, thay thế nhà trường ở nguyên trong nhà, nhất định bị stress rồi. Tuy vậy đôi lúc tôi muốn nói: Đề nghị không ca cẩm hay kêu ca phàn nàn. Chỉ khóc thầm thôi.
Lúc này những nhóm người này có thể được phép kêu ca, có thể nêu ra đây chưa thật đầy đủ: Chủ nhà hàng ăn uống mà không có thực khách; thợ cắt tóc mà không có khách hàng; các nghệ sỹ nhỏ không được lên sân khấu; các dự án bảo trợ xã hội mà không có người tham gia; chủ các sạp hàng, cửa hiệu, những người không biết: “Tới đây làm sao trả được tiền thuê mặt bằng?”; các y tá, điều dưỡng viên, các thầy thuốc luôn bị căng thẳng, nhân viên làm việc trong các siêu thị những người suốt ngày bị virus vây quanh, những người phải vật lộn để sống còn.
Vấn đề đối với những người khác: Rất đơn giản, xin hãy im miệng, kêu ca ít thôi. Tạm dừng kêu ca phàn nàn vì corona.
Mãi tới những tuần lễ gần đây, người ta mới nhận ra rằng: Chúng ta sống ở một đất nước mà có rất ít kinh nghiệm thực tế về khủng hoảng, trừ phần Đông Đức. Chúng ta quen với một cuộc sống vô lo trước những biến động xã hội to lớn. Chúng ta chỉ biết các tai họa qua phim ảnh, hay các phim truyền hình nhiều tập. Khi đó ta xem “Chernobyl” hay “Narcos” và nghĩ: Kinh khủng, sao người dân ở đó lại phải khốn khổ đến thế. Họ làm sao để vượt qua tai ương này? Rồi ta lại rót thêm vang đỏ vào cốc, ung dung nhâm nhi xem phần tiếp theo của thảm cảnh này.
Giờ thì một cuộc khủng hoảng đã xuất hiện ở nước ta – tất nhiên với chúng ta những người thuộc tầng lớp giàu có, có các bệnh viện tốt, tình trạng kinh tế tốt và một hệ thống xã hội tốt, và vì thế chúng ta cảm thấy sợ nguồn cung giấy vệ sinh bị sụp đổ, hoặc chúng ta cảm thấy tuyệt vọng trước những câu hỏi mang tính sống còn đại loại như: Phải làm gì khi bọn trẻ con phải ngồi ở nhà? Chơi cá ngựa? Và tôi sẽ bố trí công việc của mình khi làm việc ở nhà như thế nào?
Trời đất ơi, có lẽ già nửa thế giới sẽ ghen tị với chúng ta vì những vấn đề của cuộc khủng hoảng này.
03.
Cần có không khí trong lành sau một ngày làm việc ở nhà vất vả
Thật trớ trêu, mới đây thôi ở nước Đức cũng rộ lên mơ ước về một cuộc sống tối giản. Nhất là với những người như chúng ta, nhưng người gần như có tất cả. Chúng ta kêu gọi, tiêu dùng ít thôi! Ăn chay đi! Sống chậm lại! Đi máy bay ít thôi! Hãy nghỉ phép tại nhà mình! Dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và con cái! Lúc này khi mọi cái bất thình lình trở thành hiện thực thì chúng ta lại ngộ ra rằng: Thật mệt mỏi làm sao!.
Để trấn an tinh thần và nâng cao đạo đức, chúng ta hãy cùng nhau nghe bài hát mới quyết tâm vượt qua giông tố của các thầy thuốc. Hay chúng ta xem vội vàng chuyên mục của đài ZDF. Hoặc chúng ta đứng trên ban công vỗ tay hoan hô lực lượng y tế dũng cảm làm việc tại các bệnh viện và những người bán hàng ở siêu thị, các bác lái xe tải , điều đó giúp chúng ta tăng thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó và tất nhiên sau một ngày làm việc ở nhà vất vả, chúng ta có nhu cầu hít thở không khí trong lành. Chúng ta là những người hùng.
Cách đây ít ngày tôi gặp bố mẹ tôi. Đối với các cụ thời gian này quả thật không hề dễ dàng. Mẹ tôi tới đây phải vào bệnh viện vì có khối u. Mẹ tôi năm nay đã 83 tuổi, thuộc nhóm nguy cơ cao với corona. Bà phải nằm viện hai tuần mà không ai được vào thăm nom, chăm sóc. Bố tôi cũng rất lo lắng, buồn phiền về chuyện này. Tất nhiên cả hai cụ đều lo sợ. Tôi nhận thấy rõ điều đó trên khuôn mặt hai cụ. Nhưng bố mẹ tôi không hề than vãn, kêu ca. Không hề. Mẹ tôi chỉ nói: “Ôi con trai, lúc này những người khác cũng có nhiều nỗi lo.”
Đây là câu nói hay nhất mà lâu nay tôi mới được nghe, nó hoàn toàn thích hợp trong điều kiện khủng hoảng và nó phản ánh đúng thái độ cần có đối với khủng hoảng.