Chắc rằng, những ngày nóng bỏng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 hung tàn này, sẽ được ghi vào lịch sử của Bệnh viện Bạch Mai, như một sự kiện không thể nào quên. Trước ngày Bệnh viện Bạch Mai được dỡ phong tỏa 12-4, Nhân Dân điện tử xin giới thiệu bài viết của Bác sĩ Vũ Thị Ngọc Liên, nguyên Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai về những ngày mà nơi đây ‘lại vừa bị một trận bom hủy diệt’.
Là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên, lớn nhất của cả nước, Bạch Mai có lịch sử lâu đời và quá trình phát triển vững mạnh không ngừng, xứng đáng là tuyến cao nhất, là địa chỉ tin cậy nhất, không chỉ của đông đảo người bệnh mà còn của các đồng nghiệp trong và ngoài nước. Tình yêu bệnh viện luôn trong tim bao thế hệ nhân viên và họ luôn tự hào là con của Mẹ Bạch Mai anh hùng!
Những ngày vừa qua, dịch tràn vào bệnh viện, làm đau lòng tất cả những người yêu quý nơi đây. Ký ức lại vọng về, cảm giác như Bệnh viện lại vừa bị một trận bom hủy diệt, như hồi B52 rải thảm năm xưa. Nhưng bom đạn, dù có gây đổ nát hoang tàn tới cỡ nào, cũng không thể bắt bệnh viện dừng hoạt động, còn kẻ thù vô hình hôm nay, lại khiến Bệnh viện bị phong tỏa, toàn bộ nhân viên bị cách ly, bệnh nhân bị trả về.
Có một nỗi xót xa không thể diễn tả bằng lời. Có một chút hoang mang cho bệnh nhân và chút chạnh lòng cho các bác sĩ, điều dưỡng, nhưng tất thảy đều không mất niềm tin và không hề nao núng. Các thầy thuốc chưa kịp nghĩ cho mình, đã đau đáu một nỗi lo những bệnh nhân nặng của mình rồi sẽ ra sao? Những bệnh nhân cấp cứu nguy kịch, nếu không đến được Bạch Mai, không vào được A9 thì sẽ thế nào? Còn bệnh nhân và nhân dân, thì lại thương các bác sĩ đã và đang vất vả vì mình, họ bày tỏ lòng tin yêu và sự biết ơn qua những trang thư viết tay đầy cảm động, qua những món quà thiết thực dành tặng cho bệnh viện.
Chính phủ, Bộ Y tế, và các cơ quan chức năng, hiểu được tầm quan trọng của bệnh viện, cũng đã hỗ trợ hết mức, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để Bạch Mai trụ vững và tiếp tục điều trị những bệnh nhân nặng không thể chuyển tuyến. Sau đó lại quyết định cho Bạch Mai tiếp tục tiếp nhận những bệnh nhân nặng, vượt quá khả năng điều trị của tuyến dưới, nhưng tất nhiên phải tuân thủ theo đúng quy trình bốn bước nghiêm ngặt.
Chính những điều này đã trở thành động lực to lớn, động viên, khích lệ tinh thần những chiến binh áo trắng quả cảm, vượt qua nguy nan, chiến thắng giặc bệnh. Hơn thế nữa, quyết định sáng suốt cho Bạch Mai dù đang cách ly, vẫn tiếp tục tiếp nhận những ca cấp cứu hiểm nghèo, đã cứu sống nhiều bệnh nhân tưởng chừng như đã bị thần chết cầm tay lôi đi, như trường hợp vừa rồi là một sản phụ đã ngừng tuần hoàn tới hai lần, mà bác sĩ A9 đã phải ép tim trên băng cáng dưới trời mưa, đã làm xúc động hàng triệu con tim.
Là một bác sĩ có cả cuộc đời công tác liên tục tại Bạch Mai, ngay từ khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội cho đến lúc nghỉ hưu, tôi coi đây là “ngôi nhà thứ hai” của mình. Nhà đau thì dạ xót, tôi luôn theo dõi diễn biến của dịch từng giờ, từng phút, luôn thân tình chia sẻ với các đồng nghiệp của mình, nhất là các đồng nghiệp trẻ.
Vừa rồi, các đồng nghiệp lại làm tôi xúc động, ứa nước mắt, khi nghe những lời tâm sự từ sâu thẳm trái tim giữa vùng tâm bão, những cuộc điện thoại phải bỏ giữa chừng, những tin nhắn được gõ vội từ những bàn tay, dù bị cách ly, vẫn chưa một phút nào ngừng nghỉ chăm sóc bệnh nhân nặng.
Không thể nói hết được những áp lực tứ bề, những khó khăn chưa từng thấy, mà các bạn tôi đã và đang phải trải qua, khi bệnh viện bị phong tỏa. Có những bạn trẻ bị chủ nhà từ chối, không cho thuê nhà nữa, có những bác sĩ, mẹ mất cũng không được về nhìn mặt lần cuối, có người bị hàng xóm xa lánh, đứng xa cả chục mét, khẩu trang kín mít, chỉ gật đầu chào thôi mà vẫn bị xua tay, gia đình cũng bị xa lánh… Vậy mà không nản, vẫn xin gia đình yên lòng, để mình xách va-li vào bệnh viện, chấp nhận cách ly, chấp nhận xa nhà, chấp nhận thử thách nghiệt ngã chưa từng có, cùng đồng nghiệp vừa căng mình chống dịch, vừa vắt óc điều trị bệnh nhân nặng, vừa vắt sức chăm sóc họ thay cho những người nhà phải đi cách ly tập trung.
Trong bối cảnh dịch bệnh không từ một ai, không từ một đất nước nào, ngay cả các nước tiên tiến nhất trên thế giới, nhiều bác sĩ và nhân viên y tế đã mắc bệnh và không ít người trong số họ đã phải từ giã cõi đời này. Như thế, bảo các bạn tôi không lo, không nghĩ đến gia đình là không đúng. Quá lo ấy chứ, lo cho mình một thì lo cho những người thân yêu mười. Nhưng cái cách mà họ hành xử, luôn mang đậm khí chất Bạch Mai. Có bạn có bầu đến tháng sinh, vẫn kiên quyết xin ở lại cùng các đồng nghiệp chống dịch. Có bạn, viết đơn xin đi chống dịch, chứ quyết không viết đơn nghỉ dịch, với câu nói chắc nịch: “chết phải chết vẻ vang”! Thậm chí còn nói với tôi rằng, trước khi khoác ba lô vào bệnh viện đã viết sẵn di chúc… Quá xúc động và quá khâm phục. Có những nhân viên bình thường mà phi thường như thế, Bạch Mai xứng đáng đến ba lần Anh hùng và còn hơn thế nữa!
Tôi cũng được thấy, các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Cấp cứu A9, sau ca trực luân phiên của mình, đã vui vẻ cùng nhau tập thể dục, thể thao để giữ gìn sức khỏe, trong một quang cảnh có một mà không bao giờ có hai: khuôn viên bệnh viện tịnh không một bóng người lạ và tĩnh lặng đến tê người. Thời điểm cũng là không tưởng bởi vào những thời khắc này mọi khi, họ đang phải tất bật, khẩn trương, vừa điều trị bệnh nặng trong khoa, vừa tiếp nhận cấp cứu bên ngoài, cứ ùn ùn chở tới, lúc ấy đến cả thở cũng chẳng có thời gian nữa là. Chỉ cầu chúc cho các đồng nghiệp lạc quan, tự giữ gìn sức khỏe, bởi có khỏe, mới đủ sức chiến đấu, khi cuộc chiến còn chưa có hồi kết, mà A9 lại là một đơn vị tinh nhuệ của bệnh viện.
Dựng khu dã chiến hoàn chỉnh chỉ trong một đêm, Bệnh viện Bạch Mai đã sẵn sàng cho cả những tình huống, những diễn biến xấu nhất của dịch bệnh. May mắn thay, lúc này, bệnh viện đang có một Ban lãnh đạo, có thể nói rằng mạnh nhất, trẻ tuổi, năng động và tài giỏi. PGS,TS Dương Đức Hùng, PGĐ bệnh viện, là tay dao vàng về phẫu thuật tim mạch, lại có nhiều kinh nghiệm trong quản lý bệnh viện, sau nhiều năm phụ trách phòng Kế hoạch tổng hợp. Chủ tịch Hội đồng quản lý, GS,TS Ngô Quý Châu là người có tài, một chuyên gia hàng đầu dày dặn kinh nghiệm về hô hấp và thật sự là người tâm huyết, luôn làm tất cả cho sự phát triển bền vững của bệnh viện. GS,TS Nguyễn Quang Tuấn, một vị Giám đốc đầy tài năng và đức độ, một chuyên gia Tim mạch nổi tiếng, hội tụ đủ tâm, tầm, tài, cho một kỳ vọng lớn, đưa Bệnh viện Bạch Mai vươn lên một tầm cao mới. Ngoài ra, ban lãnh đạo bệnh viện còn có những giáo sư, bác sĩ cũng rất tài năng và mang nhiều phẩm chất tốt đẹp. Có những lãnh đạo ưu tú như thế, những nhân viên y nghiệp và y đức sáng ngời như thế, tin rằng Bạch Mai nhất định sẽ đẩy lùi được dịch bệnh và tương lai nhất định sẽ đưa bệnh viện vươn cao, vươn xa và chúng ta có quyền hy vọng xứng tầm châu lục và thế giới.
Đúng là trong thời gian chống dịch đầy cam go này, Bạch Mai đang rất cần những sự động viên về tinh thần hơn bao giờ hết và cả cộng đồng, cả xã hội đang kề vai, sát cánh, sẵn sàng chia lửa với bệnh viện. Nhưng với đẳng cấp và bản lĩnh của mình, với những gì đang xảy ra ở đây, khi các thầy thuốc đang kiên cường chống dịch một cách toàn diện: điều trị tốt các bệnh nhân nặng, sẵn sàng tiếp nhận những ca đặc biệt nghiêm trọng, nâng cao các biện pháp phòng hộ chặn dịch, sẵn sàng ứng phó hiệu quả trong mọi tình huống và tự nâng cao sức khỏe để đủ sức làm tốt tất cả những công việc đó, thì Bệnh viện Bạch Mai dường như lại đang trấn an tinh thần cho mỗi chúng ta và mang lại niềm tin chiến thắng. Chỉ mong sao, các bác sĩ, điều dưỡng, các đồng nghiệp yêu quý của tôi ở Bệnh viện Bạch Mai luôn luôn khỏe mạnh.
Vô cùng vui mừng vì tin này, ngày mai, 12-4, Bệnh viện Bạch Mai sẽ được dỡ phong tỏa! Các nhân viên Y tế tại đây đã bình an và Bệnh viện lại được tiếp đón, khám và điều trị các bệnh nhân như thường lệ. Chúc mừng bệnh nhân, chúc mừng Bệnh viện!
Với ý chí kiên cường và quyết tâm cao độ dập tắt dịch bệnh nguy hiểm này, Bệnh viện Bạch Mai đã chiến thắng và nhất định cả dân tộc ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19!
Bệnh viện Bạch Mai, với những cống hiến to lớn và kỳ diệu của mình, sẽ mãi mãi là nơi mà niềm tin và tình yêu luôn ở lại!
VŨ THỊ NGỌC LIÊN
Nguyên Phó Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bạch Mai)