Tại những khu cách ly, người dân ở Quảng Nam gom góp ‘của ít lòng nhiều’ sản vật nhà nông thêm vào khẩu phần ăn của những người đang được cách ly.
Một việc làm thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của trong thời điểm cả nước phòng, chống dịch Covid- 19, đó là huy động người dân địa phương “của ít lòng nhiều”, gom góp sản vật nhà nông để bổ sung vào khẩu phần ăn của những người đang được cách ly.
Đều đặn vào lúc 11 giờ 30 trưa hàng ngày, khi tiếng còi báo hết giờ làm việc buổi sáng vang lên, những anh bộ đội chạy xe máy chở hàng chục suất cơm từ nhà ăn cơ quan Quân sự huyện đến nơi ở của những người cách ly cách đó chừng 300 mét.
Bên trong khu cách ly, đàn ông, phụ nữ, con nít ngồi dậy soi gương, rửa mặt chuẩn bị ăn trưa. Những “anh nuôi” mặc vội bộ đồ bảo hộ, mang cơm đến từng phòng trao tận tay từng người.
Cô gái trẻ quê ở thị trấn Ái Nghĩa, được cách ly tại đây nói rằng, đều đặn ngày 3 bữa: sáng, trưa, tối, những người cách ly được phục vụ chu đáo. Khẩu phần ăn thì thay đổi liên tục, ngoài mấy món mặn như cá, thịt, trứng…còn có đủ loại rau, củ, quả và trái cây tráng miệng.
Cô cũng ngạc nhiên không biết lấy đâu ra mà nhiều đồ ăn ngon thế, lại đổi món liên tục. Ở thành phố Hồ Chí Minh, cô làm công nhân nên ăn uống tiết kiệm. Về quê trong lúc dịch, bị cách ly lại được đối đãi quá tốt
“Bữa ăn rất đầy đủ luôn, không thiếu thứ gì hết trơn, đầy đủ dinh dưỡng lắm. Thịt, cá, rau luộc, món xào… ngày 3 bữa, bữa nào cũng vậy. Trong phòng em hay tâm sự với mấy chị không ngờ về đây gặp mấy anh nhiệt tình, dễ thương hết sức luôn. Tụi em cũng thường hay hỏi không biết chi phí đó mọi người lấy đâu ra mà cung cấp cho tụi em hằng ngày vậy, nên tụi em rất quý luôn”.
Người dân ở làng quê Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam sống hết sức tình nghĩa, tương thân tương trợ nhau lúc khó khăn. Những ai rời quê hương đi làm ăn xa đều còn nghèo khó. Người thì làm công nhân, người bán vé số, giúp việc tại các nhà hàng, hay phụ hồ… Khi dịch covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người vội mua vé tàu, xe, trở về quê nhà.
Bà Nguyễn Thị Mừng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, ngày 1/4, có 33 người về quê. Ngày hôm sau có thêm 55 người nữa về đến điểm chốt tại huyện Núi Thành.
Huyện Đại Lộc sau khi tiếp nhận thông tin đã điều 3 xe chuyên dụng chở bà con mình về khu cách ly tập trung của huyện. Đến sáng ngày 3 lại có thêm một số trường hợp nữa về quê và được đưa vào khu cách ly.
Bà Nguyễn Thị Mừng cho biết, ban đầu, chủ trương của huyện là hỗ trợ một nửa tiền ăn đối với những người được cách ly. Nhưng qua tiếp xúc, lãnh đạo huyện nhận thấy cuộc sống của những người cách ly quá khó khăn nên giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đứng ra vận động bà con hỗ trợ.
“Mình có suy nghĩ là mỗi bữa mình phải bỏ tiền ra mua trong khi sản phẩm của chị em mình đó làm ra thì thôi kêu gọi, người góp trái bí, trái bầu, rồi trứng, cá, thịt… Khi có lời kêu gọi trong cán bộ hội viên phụ nữ, bà con nhân dân ai cũng đem bí, đem bầu tới.
Cuối cùng mới điều tiết, ví dụ xã này góp bầu, bí trong ngày hôm nay thì ngày hôm sau là rau, củ, quả của xã khác. Cái kho cho đến bây giờ, mướp, bầu, bí chất đầy hết”, bà Mừng nói và cho biết thêm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã kêu gọi, vận động cán bộ hội trên tinh thần tự nguyện, ai có gì góp nấy.
Ông Nguyễn Công Thanh, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, hơn 130 người cách ly đều được miễn phí toàn bộ tiền ăn; Lãnh đạo địa phương kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức ủng hộ ít nhất 1 ngày lương để phòng chống dịch Covid- 19.
“Bà con đi làm ăn xa rất khó khăn, ở khu cách ly đó thì chúng tôi chu cấp toàn bộ. Khi kết thúc về, tiếp tục cách ly tại nhà thì từ nguồn quỹ vận động được, hỗ trợ mỗi người cách ly 15 ký gạo, 1 bịch khẩu trang y tế, 1 bình sát khuẩn khi cách ly tại nhà.
Bên cạnh đó, số trường hợp được cách ly tại nhà cũng được hỗ trợ tương tự giống như cách ly tập trung khi kết thúc. Các xã có trách nhiệm chuyển đến từng hộ gia đình được cách ly”, ông Thanh nói.
Đối với những người được giao nhiệm vụ tại các điểm kiểm soát thì Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ huyện thay phiên nhau đem thức ăn, nước uống đến tận nơi phục vụ ngày 2 buổi.
Chỉ sau mấy ngày vận động, người dân huyện Đại Lộc đóng góp nhiều đến mức Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện có Thư kêu gọi dừng ủng hộ. Vậy mà, nhiều người vẫn cứ gởi quà đến bếp ăn của cơ quan Quân sự huyện./.