Tiếng hát của nhà hàng xóm ám ảnh vợ chồng tôi đến nỗi đêm xuống, rõ ràng họ đã ‘giải lao’ mà tai tôi vẫn văng vẳng nghe tiếng ‘lá rơi đắp mộ cuộc tình…’.
Từ hôm cơ quan cho làm việc ở nhà tránh dịch, ngày nào cũng như ngày nào, cả gia đình tôi bị tra tấn bởi tiếng karaoke của hàng xóm. Vợ chồng họ hát ngày hát đêm, hát từ sáng sớm đến tận đêm khuya, chồng nghỉ thì vợ hát, mà vợ hát thì chồng nghỉ, thi thoảng thì cả đôi song ca.
Mà nào có phải giọng ca oanh vàng, lánh lót gì cho cam, ông chồng giọng như loa rè, còn giọng bà vợ thì the thé, cất tiếng hát mà như mấy bà hàng tôm cá cãi nhau ngoài chợ. Tiếng hát của nhà bên đó ám ảnh vợ chồng tôi đến nỗi đêm xuống, rõ ràng họ đã “giải lao” mà tai tôi vẫn văng vẳng nghe tiếng “lá rơi đắp mộ cuộc tình…”. Hai đứa trẻ nhà tôi, đứa lên 9 đứa lên 4, cũng thuộc luôn câu đó, ngày nào cũng nhí nhéo “đắp mộ, đắp mộ”.
Người lớn cố chịu thì không sao nhưng cậu con lớn nhà tôi phải học online hàng ngày lúc 3h chiều. Chiều qua, cu cậu đang học, đến đoạn cô gọi trả lời, thằng bé ấp úng không trả lời được bị cô phê bình. Học xong, nó quay sang trách móc rằng nhà hàng xóm hát ầm ĩ, không thể tập trung học được.
Thấy ảnh hưởng đến việc học của con, tôi định sang nhà hàng xóm góp ý thì vợ gàn vì nhà bên đó là dân anh chị, máu mặt có tiếng nên lại thôi.
Tối qua, mẹ tôi kêu đau đầu, chóng mặt, bỏ cơm. Nghĩ tội bà cụ, hơn 70 rồi mà hàng ngày phải chịu đựng tiếng karaoke rên rỉ nhà hàng xóm đến phát ốm. Lại được con bé thứ hai nhà tôi, hôm qua nằm cạnh bà, chẳng hiểu sao tự nhiên lại bô bô: “Ốm là chết đúng không bà? Chết là phải chôn rồi đắp mộ hả bà? Nhà bác Hưng hàng xóm, ngày nào cũng đắp mộ bà ạ”.
Vợ tôi nghe thấy con bé nói thì hoảng quá, kéo vội ra ngoài vì sợ bà nghĩ lung tung. Hôm sau, lấy hết can đảm tôi định sang nhà hàng xóm đề nghị bên đó từ nay không được hát karaoke vô tội vạ, ảnh hưởng tới người khác nữa. Dù thế nào đi chăng nữa, dù có phải mất tình cảm hàng xóm, láng giềng tôi cũng nhất định phải nói chứ không thể chịu nổi cảnh ngày nào cả nhà cũng bị karaoke tra tấn mãi thế này được.
Thế nhưng vừa sang đến nơi, lão hàng xóm mặt mũi bặm trợn, xăm trổ đầy mình thấy tôi lại niềm nở, bảo từ ngày chuyển về mới thấy tôi sang, còn hỏi tôi có phải định sang góp vui hát cùng không rồi rủ vào nhà “làm vài chén”. Thế là thôi, mọi quyết tâm lúc trước coi như đổ bể hết. Thấy hàng xóm nhiệt tình như thế chẳng nhẽ lại sang đôi co, tôi đành dịu giọng trình bày hoàn cảnh rằng thằng lớn hay mất tập trung, học online mà nghe tiếng karaoke là không vào đầu được cái gì.
Lão hàng xóm ngước mắt nhìn lên đồng hồ, khi ấy là 2h30, lão vừa nói vừa cười ha hả: “Nửa tiếng nữa đúng không? Được rồi chú cứ về đi, đúng nửa tiếng nữa anh tắt. Mà cháu nó học lâu không anh còn biết đường, ở nhà không biết làm gì chỉ có mỗi karaoke làm bạn thôi, tiện thể luyện giọng luôn”.
Tôi đang định chào ra về thì lão thêm câu: “Cả cái xóm này anh chả ngán ai, mà chú nói thế anh đành chịu đấy”. Tôi chẳng hiểu lão nói đùa hay dằn mặt nữa, nghe giọng điệu thì có vẻ bình thường nhưng lão lại ném cái ánh mắt như dao lia về phía tôi nên cũng hơi ái ngại.
Đến giờ cậu con trai học, nhưng lão hàng xóm hình như mải hát, quên luôn cả lời nhắn nhủ lúc nãy, vẫn mải miết: “Xây giấc mộng ban đầu, yêu người thuở mới đôi mươi…”
Tôi thật không biết phải làm thế nào, cứ nín nhịn chịu đựng thì cả nhà tôi phải chịu nỗi khổ sở này đến bao giờ. Góp ý nhẹ nhàng như sáng nay cũng chẳng ăn thua, mà cứ nghĩ đến cái câu “cả xóm anh chẳng ngại ai” của lão mà tôi nhụt hết cả chí. Có ai rơi vào hoàn cảnh như của tôi không, tôi phải làm thế nào bây giờ?