‘Những người làm diễn viên giỏi không hẳn sẽ là đạo diễn xuất sắc. Bản thân tôi thì thà làm thằng diễn viên tốt còn hơn làm anh đạo diễn tồi’, NSND Tiến Đạt chia sẻ.
Dành dụm “bản mặt” để khán giả không chán
+ Từng có thời gian anh xuất hiện nhiều trên truyền hình nhưng kể từ sau “Tuổi thanh xuân” cho đến bây giờ khán giả mới thấy trở lại, vì sao thế?
– Vì xuất hiện nhiều và cũng có được dấu ấn nhất định, nên đôi khi tôi nghĩ cần dành dụm “bản mặt” này một chút để không phải lúc nào cũng chường ra truyền hình khiến khán giả chán (cười).
Tôi quan niệm, nghệ thuật không quan trọng số nhiều. Có điều kiện, thời gian chăm chút cho kịch bản, vai diễn thì kết quả chắc chắn sẽ hơn kiểu nhận phim “ào ào”. Thú thật là thời gian qua tôi cũng nhận được khá nhiều lời mời nhưng tôi đều từ chối.
Như bạn biết đó, đóng phim truyền hình tốn khá nhiều thời gian, mà cứ ra khỏi Hà Nội để đi quay là tôi không đáp ứng được. Vì còn vướng kinh doanh nên tôi ngại đi và đành từ chối. Kể ra cũng là thiệt thòi.
+ Vậy điều gì khiến anh chấp nhận rời Hà Nội để đi quay “Cô gái nhà người ta” suốt nhiều tháng liền?
– Khi đạo diễn Trịnh Lê Phong đưa kịch bản cho tôi có nói rất rõ phim đề tài nông thôn nên sẽ phải đi xa, tất nhiên không quá xa Hà Nội. Lúc đó, tôi cũng có chút “lấn cấn” nhưng vẫn nhận đọc kịch bản. Chưa đánh giá về vai diễn của mình thì công bằng mà nói tôi rất cảm tình với câu chuyện nông thôn ngày nay đang dần lột xác hội nhập. Rất nhiều vấn đề, đặc biệt vấn đề của các bạn trẻ. Kể cả những sai sót cũng thấy đáng yêu. Thậm chí khi đọc đến đoạn Viễn ung thư tôi đã khóc. Nên tôi nói với đạo diễn: Nếu phải rời “xới” mà đi thì tôi cũng làm.
+ Trong phim, với vai ông Tài – đại gia làng giàu lên nhờ xưởng dệt tương đồng với mặt hàng kinh doanh của anh ngoài đời thực. Yếu tố này có khiến anh diễn xuất tốt hơn?
– Nếu nói điểm tương đồng này là một trong những lý do thì không hẳn. Có thể nói việc quá quen với thước dây, cây kéo đã giúp cho những cảnh quay ông Tài tại xưởng vải nhìn chân thực hơn bởi cách nâng niu từng mét vải, kiểm tra vải, đánh giá sản phẩm thêm “đời” hơn.
Ngoài ra tôi cũng tính toán rất kỹ để làm sao thể hiện được nhân vật ông Tài – đúng bản chất của một đại gia nhưng phải là đại gia làng – nửa nông thôn, nửa thành thị. Từ cách nói năng, đi đứng đến trang phục sao cho hợp nhất.
+ Nhiều năm qua, anh luôn được các đạo diễn mời vào các vai đểu, tham lam… có bao giờ anh cảm thấy buồn và nhàm chán?
– Trong cuộc đời nghệ thuật của mình vai tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn làm vai phản diện, vai đểu đến nỗi đã thành sở trường, thành thương hiệu.
Nhân vật tôi đóng xấu chứ có phải tôi xấu đâu mà buồn. Vả lại khi được khán giả xem và đánh giá vai diễn là thành công thì tôi vui rồi. Mỗi khi ra đường, có ai nhận ra Tiến Đạt thì đó là điều hạnh phúc lắm rồi.
Tôi không lo ngại hay nghĩ đến sự nhàm chán vì luôn nhắc bản thân phải thích vai diễn, thích phim của mình trước đã. Sản phẩm nghệ thuật là món ăn mà bản thân mình không mê thì sao khiến người thưởng thức mê được. Và bằng chứng là cho đến giờ khán giả vẫn yêu thích sự “đểu màn ảnh” của tôi đấy.
+ Không sở hữu một ngoại hình cao ráo, nhưng Tiến Đạt lại rất cuốn hút trên màn ảnh. Anh có bí quyết gì không?
– Ở Nhà hát Kịch Hà Nội, từng có một thời kỳ, mọi người thi nhau độn mông, độn ngực cốt để có ngoại hình đẹp đẽ và cao ráo hơn. Nhưng tôi không đi theo xu hướng này dẫu biết rằng, thấp bé, nhẹ cân lên sân khấu rất thiệt thòi. Những vai diễn hay, có nhiều đất diễn thường được đạo diễn chọn mặt gửi vàng cho những diễn viên có diện mạo đẹp. Nhưng sau tôi nhận ra, mình cứ khai thác nhiều chi tiết để làm nên những vai diễn dù nhỏ nhưng tạo được tính cách, dấu ấn thì cũng không thua kém gì các diễn viên chính. Và tôi đã làm được điều đó qua những vai diễn mà mọi người từng ấn tượng trên truyền hình. Như khi được giao Tony Nguyễn trong “Chạy án”, tôi đã bảo đạo diễn Hồng Sơn nên chọn một người cao ráo hơn tôi mới phù hợp với vai Việt kiều nhưng anh Hồng Sơn lại không nghĩ thế vì anh muốn tôi khai thác vai diễn ở một góc độ khác.
+ Nhiều nghệ sĩ thế hệ của anh đến một ngưỡng nào đó sẽ chuyển sang làm đạo diễn. Anh có định thử sức vai trò mới không?
– Tôi cũng từng nghe nhiều người nói già đời diễn viên rồi thì chuyển sang làm đạo diễn nhưng tôi chắc không. Ông trời chẳng cho ai quá nhiều thứ. Những người làm diễn viên giỏi không hẳn sẽ là đạo diễn xuất sắc. Bản thân tôi thì thà làm thằng diễn viên tốt còn hơn làm anh đạo diễn tồi (cười).
Tôi đang có một cuộc sống hạnh phúc
+ Trên màn ảnh, anh vào vai đểu đến mức đặc sắc thì trong cuộc sống, anh sắm cho mình một vai thế nào?
– Nhiều người đều biết ngoài nghệ thuật tôi còn có một cửa hàng may gia truyền và một gia đình hạnh phúc. Tôi vừa sắm vai một thợ may vừa là một người chồng tốt. Thú thật, trong suy nghĩ của mình, tôi luôn cho mọi thứ là bình thường, không có cái gì là quan trọng và cũng không có gì phải ân hận sau một chặng đường dài. Sau khi về hưu, tôi hưởng tuổi già vui vẻ bên con cháu, còn nghề diễn thì vui, thích thì tôi tham gia.
+ Để làm tốt cả hai nghề diễn và nghề may, chắc hẳn anh phải có 10 hoa tay?
– Nghề nào cũng cần đến năng khiếu, tôi làm 2 nghề, một nghề làm đẹp cho đời, một nghề làm vui cho đời nên đương nhiên tay phải có hoa rồi. Nhưng có mấy hoa thì xin được giữ… bí mật. Tôi chỉ biết mình làm nghề nào cũng ổn cả. Ngay từ hồi trẻ, tôi chưa bao giờ cảm thấy ngại hóa thân từ những vai bi khủng khiếp cho đến hài cười chết ngất. Vai diễn nào tôi cũng đều cố gắng tìm kiếm chi tiết để thêm thắt sinh động. Nghề may tỉ mỉ với từng đường kim mũi chỉ đã giúp tôi có cái nhìn trong nghệ thuật khắt khe và chỉn chu đến từng chi tiết.
+ Những vai diễn thành công trong điện ảnh và sân khấu có giúp cửa hàng may của anh đông khách hơn không?
– Nói thật là tôi cũng đã từng nhận may cho các vị khách đến với mình không phải vì chuyện quần áo mà vì ngưỡng mộ vai diễn. Ví dụ, có khán giả họ cầm đến một mảnh vải như một cái cớ để được gặp và nói chuyện cùng Tony Nguyễn (vai diễn trong phim “Chạy án” – PV). Có người còn bảo tôi, anh đóng vai diễn đấy mà tôi thấy anh “đểu đến… lỗi lạc” khiến tôi thấy thật hạnh phúc.
+ Cảm ơn chia sẻ của NSND Tiến Đạt!