Xưa nay phi tần ngoại quốc đa phần đều chết thảm do không có thủ đoạn bằng các phi tần chính quốc, nhưng riêng vị phi tần duy nhất có nguồn gốc Triều Tiên này của Càn Long Đế là một ngoại lệ đặc biệt vì bà không những trụ vững trong hậu cung nhà Thanh đầy tâm cơ, mà còn từng bước nâng cao phi vị của mình.
Hậu cung trong các thời kỳ Trung Hoa phong kiến, không hiếm thấy sự xuất hiện của các phi tần ngoại quốc.
Tuy nhiên, những vị phi tần ấy vốn dĩ chỉ là “vật hy sinh” cho các cuộc hôn nhân chính trị, giúp Hoàng đế Trung Hoa thắt chặt hơn mối quan quan hệ với lân bang.
Trong số đó, ngoài những vị phi tần có xuất thân từ Tân Cương vốn đã quá nổi tiếng, thì Triều Tiên cũng là nơi “cống nạp” không ít nữ tử cho hậu cung Trung Hoa.
Tranh này nằm trong bộ 11 bức tranh vẽ phi tần của Càn Long Đế, được đặt tên là đặt tên là “Tâm viết trì bình”.
Chỉ đáng tiếc một điều, do không cao tay và thủ đoạn bằng các phi tần chính quốc nên phần lớn họ đều chết thảm trong chốn cấm cung.
Chẳng hạn như dưới thời Vĩnh Lạc đế Chu Đệ (nhà Minh), hậu cung Trung Hoa cũng từng tiếp nhận 5 vị cung phi người Triều Tiên và cả 5 đều nhận cái kết thảm khốc.
Ấy thế, điều gì cũng có ngoại lệ, thậm chí là ngoại lệ khó tin khiến hậu thế phải đặt nhiều dấu chấm hỏi hòng hy vọng có thể giải mã được. Và Thục Gia Hoàng Quý phi Kim Giai Thị chính là một ngoại lệ đầy bí ẩn như thế.
Bởi bà có xuất thân Triều Tiên, nhưng làm phi tần của Thanh Cao Tông Càn Long Đế không phải vì mục đích chính trị.
Chưa kể bà đã trụ vững trong chốn thâm cung, từng bước đi lên từ vị trí Quý Nhân cho đến Hoàng Quý phi và hạ sinh cho Càn Long Đế tới 4 Hoàng tử, mang về cho gia tộc không ít vinh hiển.
Với gốc gác là người Triều Tiên nhưng tại sao đây không phải là một cuộc hôn nhân chính trị ngoại bang?
Trên thực tế, khác với những triều đại trước đó, ở đời nhà Thanh – triều đại cuối cùng của Trung Hoa phong kiến, các vị Hoàng đế đặc biệt ít tuyển phi tần từ Triều Tiên.
Nếu có tuyển chọn, Hoàng đế cũng chỉ lựa chọn những nữ nhân có xuất thân từ các gia tộc gốc Triều Tiên nhưng đã quy hàng Trung Hoa (vì nhiều lý do, đa phần là mâu thuẫn với giai cấp thống trị ở Triều Tiên) và có địa vị nhất định trong xã hội.
Trong số các gia tộc ấy, họ Kim, họ Hàn (Han), họ Lý (Lee) và họ Phác (Park) là 4 gia tộc danh giá nhất.
Nổi bật hơn cả là gia tộc họ Kim, quy phục Trung Hoa năm 1627 và đến đời nhà Thanh đã có nhiều cống hiến cho triều đình nên nhiều nhân vật trong gia tộc này đã được sắc phong vào hàng ngũ quan lại cao cấp.
Và Thục gia Hoàng Quý phi Kim Giai Thị chính là thiên kim tiểu thư có xuất thân từ gia tộc này. Ở thời của bà, cha bà là Kim Tam Bảo giữ chức Thượng thư Tứ viện khanh. Anh trai của bà là Kim Giản cũng làm quan tới chức Lại bộ Thượng thư.
Vậy nên, từ khi Thanh Cao Tông Càn Long Đế còn là Hoàng tử, bà đã được tuyển chọn trở thành Cách Cách và sống trong Tiềm Để cùng ông.
Đến khi ông đăng cơ Hoàng đế, bà chính thức được sắc phong vị trí Quý Nhân trong hậu cung lúc bấy giờ. Tới đây, con đường hoạn lộ của bà mới chính thức khai hoa nở nhụy.
Sinh hạ 4 Hoàng tử, từng bước vững chắc đi lên trong hậu cung đầy tâm cơ
Mùa xuân năm Càn Long thứ 2 (1737), Kim Quý Nhân được Càn Long đế ban chỉ dụ tấn phong trở thành Gia Tần.
Và đúng như người đương thời hay nói, mẹ quý nhờ con, nên việc Gia Tần sinh hạ 4 Hoàng tử sau đó đã giúp bà nâng cao vị trí của mình, từng bước từng bước một, phi vị của bà trụ vững mà hầu như không ai có thể lật đổ được.
Năm Càn Long thứ 4 (1739), ngày 14 tháng 1 (tức ngày 21 tháng 2 dương lịch), bà hạ sinh Hoàng tứ tử Vĩnh Thành. 2 năm sau đó, bà được sắc phong trở thành Gia Phi.
Đến năm Càn Long thứ 11 (1746), ngày 15 tháng 10, giờ Ngọ, bà lại tiếp tục sinh hạ Hoàng bát tử Vĩnh Tuyền và được sắc phong trở thành Gia Quý Phi vào năm Càn Long thứ 13 (1748).
Cùng năm, ngày 9 tháng 7, giờ Hợi, Gia Quý Phi phúc khí tràn đầy, lại sinh thêm một Hoàng tử, đáng tiếc Hoàng tử này yểu mệnh nên chưa được 1 tuổi đã hoăng thệ.
Cứ tưởng con đường sinh nở của bà tới đây là dừng lại và bà đã an phận ở vị trí Gia Quý Phi, nhưng không, năm Càn Long thứ 17 (1751), ngày 7 tháng 2, bà lại hạ sinh Hoàng thập nhất tử Vĩnh Tinh.
Ấy thế mà, chính vì do liên tục sinh nở nên sức khỏe của Gia Quý Phi đã sớm cạn kiệt. Khi đứa con trai thứ 4 này của bà được 4 tuổi, bà đã lâm trọng bệnh và qua đời vào ngày 15 tháng 11, ở tuổi 42.
Bà được đích thân Sùng Khánh Hoàng Thái hậu truy phong thành Thục Gia Hoàng Quý phi, đồng thời cũng là 1 trong 5 hậu phi duy nhất được an táng ở Dụ lăng phi viên tẩm cùng Càn Long Đế.
Về phần 4 Hoàng tử do bà hạ sinh, chỉ có 1 Hoàng tử yểu mệnh qua đời sớm, còn 3 người còn lại đều trưởng thành và được vua cha sắc phong làm Thân vương.
Đặc biệt, Hoàng thập nhất tử Vĩnh Tinh từng được xếp vào “Mãn Thanh tứ đại thư gia” nhờ tài thư pháp trác việt của mình.
Tấm bia ca ngợi công đức của Càn Long đặt trong Dụ Lăng cũng được tạc dựa trên nét chữ của vị Hoàng tử ấy.
Qua đời vẫn mang về vinh hiển cho gia tộc và những khắc họa suy đoán về những toan tính của nhân vật qua phim ảnh
Đáng lưu ý là dù đã qua đời, nhưng những ân sủng của bậc Thiên tử dành cho bà vẫn còn tiếp tục.
Chẳng hạn như việc Hoàng đế Gia Khánh (kế vị Càn Long đế) đã hạ lệnh gia tộc Kim Thị của Thục Gia Hoàng Quý phi được đổi thành Kim Giai Thị và nhập vào Mãn Châu Chính Hoàng kỳ.
Đến năm Gia Khánh thứ 23, hoàng đế truyền chỉ chính thức sửa tên Kim Thị thành Kim Giai thị trong ngọc điệp hoàng gia, biểu thị ân sủng thâm hậu đối với gia tộc của bà.
Quả thật, với xuất thân khác biệt của Thục Gia Hoàng Quý Phi Kim Giai Thị mà bà không những không bị “đào thải” sớm trong chốn hậu cung nhà Thanh vốn thâm độc nhiều tâm cơ, mà còn trụ vững, nâng cao phi vị của mình cho tới khi cuối đời và mang về cho gia tộc không ít vinh hiển đúng là chuyện hiếm thấy.
Nhưng để đạt được những điều ấy, thì liệu bà có chiêu bài hay thủ đoạn gì bí mật hay không? – đây là một câu hỏi lớn mà hậu thế ngày nay vẫn còn bao thắc mắc chưa tìm được lời giải.
Chính vì lẽ đó, nên nhiều bộ phim cung đấu nhà Thanh ra đời trong bối cảnh thời Thanh Cao Tông Càn Long đã có không ít khắc họa suy đoán về những mưu tính tâm cơ của bà, khiến cho không ít người ghét cay ghét đắng.